Từ học kỳ đầu của năm học lớp 1, bé trai N.V.H.M (6 tuổi) đã bị cô giáo chủ nhiệm “mời phụ huynh” vì đánh bạn đến lần thứ ba. Cha của M. khá lo lắng và đã đưa con đi khám ở một phòng khám tâm lý - tâm thần nhi. “Chúng tôi đã làm hết cách, từ khuyên bảo cho đến đánh đòn mà cháu vẫn lầm lì, thậm chí không mở miệng giải thích vì sao đánh bạn. Quan sát con chơi trong xóm, tuy chưa bị ai mắng vốn là đánh bạn nhưng phản ứng của cháu khá hung hăng khi giành đồ chơi” - anh lo lắng.
Đánh bạn vì nghĩ… không có gì sai
Cuối cùng, chuyên gia tâm lý cũng hỏi được M. lý do đánh bạn. Bé giải thích rằng đó là lúc bạn lấy bút hoặc trêu chọc mình.
“Vậy là bạn không ngoan. Ở nhà, M. không ngoan thì ba cũng đánh mấy roi. M. chạy đến mẹ, mẹ nói ai hư bị đánh là đúng. Vậy mấy bạn hư nên M. cũng phải đánh đòn”. Câu giải thích ngây thơ của con khiến người cha giật mình. Trước đây, anh từng bị ông nội của M. dùng đòn roi để dạy dỗ nên vẫn nghĩ rằng một chút đòn roi khi dạy con cũng chẳng sao dù đã có người nói là không nên.
Chuyên viên tâm lý giải thích rằng trong những trường hợp như cha của bé M. dù bị đánh đòn nhưng nghĩ là lỗi do mình, lại không gặp yếu tố thuận lợi để lập lại hành động đòn roi đó với người khác nên không có chuyện gì. Bé M. vốn khá thông minh và lại “thần tượng” cha nên hành động gì của cha, bé cũng cho là đúng. Ngay cả việc dùng bạo lực để trừng phạt người mà mình cho là hư, bé cũng không nghĩ đó là điều sai!
“Những lời khuyên như “con không được đánh bạn”, “con không được la bạn” sẽ không có tác dụng nếu hành động đánh, la đó bé học từ chính cha mẹ. Đôi khi nóng giận, chúng ta đánh trẻ và hành động này vô tình khiến các cháu bắt chước khi nổi giận” - ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), phân tích.
Nên đối thoại với trẻ
BS Triết cho biết từ khoảng 9 tháng tuổi, trẻ đã có thể hiểu được từ “không”, cũng như hiểu và cảm nhận được thái độ “không vừa lòng” của cha mẹ khi chúng có hành vi không mong đợi. Vì vậy, trong các tình huống trẻ “hư”, việc cha mẹ cố gắng giải thích sẽ lợi cả hai mặt: giúp trẻ chấm dứt hành động và giúp trẻ học được kỹ năng đối thoại, giải thích khi mình muốn hoặc không hài lòng về việc gì đó thay vì ăn vạ, đánh bạn...
“Nếu trẻ đánh bạn, cho dù ở nhà không bị người thân đối xử như thế, đừng vội mắng các cháu mà hãy hỏi rõ lý do. Có những trường hợp trẻ bị bắt nạt, bị bạn làm một điều gì đó nên mới phản ứng lại chứ không phải trẻ hư. Trường hợp này người lớn nên giúp trẻ xử lý tình huống” - BS Triết khuyên.
Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng cần được đặt trong một môi trường có kỷ luật, với những từ “không” được đưa ra đúng lúc khi các cháu bắt đầu làm điều gì đó không nên. Nên dạy trẻ kỹ năng tương tác, cách chơi với bạn ngay từ đầu hay hơn là để các cháu bước vào môi trường chung mà hoàn toàn không có các kỹ năng cần thiết, từ đó làm những việc sai quấy với bạn.
Coi chừng “hình ảnh lưu”
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP HCM, cảnh báo rằng những hành động bạo lực mà trẻ phải hứng chịu hoặc nhìn thấy - gồm cả bị đánh đòn, bị la mắng, thấy người thân cự cãi hay dùng bạo lực với nhau... - sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Dù trẻ còn rất nhỏ, chỉ vài tuổi - cái tuổi mà người lớn cho rằng “chưa biết gì”- tất cả hình ảnh “không đẹp” của người lớn vẫn sẽ lưu lại trong trí óc của các cháu.
Các “hình ảnh lưu” mang tính bạo lực này sẽ tác động lớn trong quá trình hoàn thiện nhân cách của trẻ. Điều này cũng lý giải vì sao trẻ hay bị cha mẹ đánh, khi lớn lên lại thường dùng đòn roi với con mình. Vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ trẻ khỏi ảnh hưởng của các hành động bạo lực từ phim ảnh, internet, cần tạo ra môi trường gia đình hòa thuận, êm ấm và điều này còn quan trọng hơn.
“Dạy” kiểu bạo hành, tích tụ ký ức xấu
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, tác hại của việc dùng bạo lực để “dạy” trẻ còn có nhiều mức độ. Nguy hiểm nhất là những trận đòn quá tay, những hình phạt khiến trẻ đau đớn, có thể đẩy các cháu đến 2 thái cực: hoặc lầm lì, sợ hãi hoặc phản kháng. Hậu quả là lúc còn nhỏ, trẻ có thể không vâng lời, quậy phá; đến khi lớn thì có thể “sinh tật” như rượu chè, thậm chí có suy nghĩ thù hằn cha mẹ.
Trong trường hợp bị cha mẹ hoặc người thân nào đó “dạy” bằng bạo lực đến mức gọi là bạo hành, trẻ cần được can thiệp tâm lý. Bởi lẽ, những ký ức xấu đó dễ sinh ra các phản ứng tâm lý tiêu cực khiến trẻ bị lệch lạc khi lớn lên.
Bình luận (0)