Không gian Hội trường 108 Nguyễn Du, quận 1, TP HCM vào sáng thứ bảy vừa qua thỉnh thoảng lại rộ lên những tràng vỗ tay và tiếng cười vui vẻ. Hơn 500 người - cả các bậc cao niên, trung niên và người trẻ - cùng đến dự, trao đổi, gửi gắm những nỗi niềm bệnh tật đến các chuyên gia y tế trong buổi giao lưu y học chủ đề “Hội chứng mệt mỏi kinh niên” do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp với các bác sĩ Phòng khám Eurovie tổ chức.
Ăn chay cũng bị gout
Hội trường đã chật kín chỗ dù ngoài cổng vẫn còn không ít người đến muộn. Như nhiều người khác, bà Dương Thị Huệ (78 tuổi; ngụ quận 11, TP HCM) có vẻ như bị lôi cuốn vào lối nói chuyện y học vừa mạch lạc vừa dí dỏm của bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Phòng khám Eurovie). Bà Huệ cho biết bà bị nhiều loại bệnh của người lớn tuổi như huyết áp, tim mạch và đang dùng thuốc tây. Nghe thông tin có buổi giao lưu này, bà nói con phải đưa mình đi cho bằng được. “Ở tuổi này, bệnh của tôi chắc là khó trị dứt nhưng đến đây, nghe nói chuyện thấy có nhiều thông tin bổ ích” - bà cười nói với một chị bên cạnh.
Trong hội trường, nhiều cánh tay đưa lên với mong muốn được các bác sĩ giải đáp bệnh tật của mình càng chi tiết càng tốt, điều mà nhiều thầy thuốc tại các bệnh viện ít có thời gian trả lời cặn kẽ. Mỗi ý kiến, mỗi câu hỏi đều liên quan đến bệnh tật, thuốc men như bệnh đái tháo đường, chứng mất ngủ, cách dùng tây - đông dược thế nào cho đúng…
Một phụ nữ tuổi trung niên mong mỏi bác sĩ giúp bà vượt qua chứng mất ngủ do trầm cảm kéo dài 27 năm qua. Về yêu cầu này, bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã tư vấn chung rằng: Cái gốc vấn đề của chị là tâm bệnh nhiều hơn, muốn nhẹ nhàng thì phải thoát khỏi tâm bệnh, phải tự điều trị tinh thần cho mình nhiều hơn bằng những hoạt động bổ ích mà chỉ bản thân người bệnh mới biết.
Ông Lê Văn Nam, một người tham dự, đặt một vấn đề khá thú vị: Lâu nay, ông không còn dùng thực phẩm mặn, giàu đạm mà đã chuyển sang ăn chay nhưng tại sao vẫn bị bệnh gout. Bác sĩ Hoàng cho rằng đừng tưởng ăn chay là không mắc bệnh gout. Ông dẫn chứng ở Thái Lan, nhiều nhà sư cũng mắc bệnh gout. Lý do là khi ăn chay sẽ thiếu chất đạm nên cơ thể tự điều chỉnh để có đủ chất đạm và quá trình này sẽ sinh ra axít uric dẫn đến bệnh gout.
Chén cơm nên thuốc
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, hội chứng mệt mỏi kinh niên đang hoành hành và gia tăng khắp nơi do nhiều yếu tố khách quan, từ ô nhiễm môi trường đến lối sống. Giới chuyên gia cho rằng hiện nay tuy ăn đủ, mặc đủ nhưng tình trạng mệt mỏi kéo dài đang là vấn đề rất lớn của sức khỏe cộng đồng. Theo bác sĩ Hoàng, sở dĩ ngày càng có nhiều người mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên vì người bệnh nhận được nhiều chẩn đoán khác nhau nên phải sử dụng đủ thứ thuốc, từ dược phẩm trị khớp, kháng viêm đến an thần, kháng sinh, hạ áp, trợ tim... Đủ loại hóa chất tiếp tay bào mòn sức đề kháng vốn đã suy kiệt của người bệnh.
Cơ thể của người cao tuổi bao giờ cũng mong manh và nhạy cảm. Bên cạnh cơ tạng thiếu nước, rối loạn chất điện giải vì tình trạng lão hóa lại thêm ít vận động, ngủ ít, chế độ dinh dưỡng mất cân đối về chất khiến người cao tuổi khó tránh khỏi tình trạng sa sút trí tuệ, rối loạn giấc ngủ, thoái hóa khớp. Nhưng không chỉ có người lớn tuổi mới lo bởi nạn nhân của chứng mệt mỏi kinh niên cũng có người trẻ, tuổi chừng 20-40, nữ nhiều hơn nam.
Các chuyên gia lưu ý cầm chân căn bệnh nhờ thuốc tuy hay nhưng vẫn chưa khéo. Hay hơn nhiều là biến món ăn thường ngày thành thuốc quý để người bệnh, nhờ đó giảm được lượng thuốc vốn là hóa chất tổng hợp, đồng thời ngăn ngừa được di chứng. Mượn hoạt chất sinh học để hỗ trợ liệu pháp đặc hiệu, ăn ngon, ăn no như mong muốn mà không sợ bệnh, chén cơm cũng có thể nên thuốc.
Tăng sức đề kháng với các bệnh thời đại
Tại buổi giao lưu, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cách tăng cường sức đề kháng đối với những căn bệnh thời đại như cao huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày... Theo đó, có thể phòng tránh và chung sống với các bệnh này bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị kết hợp chế độ tập thể dục và ăn uống đúng cách; sử dụng thực phẩm dinh dưỡng kết hợp thảo dược.
Riêng bệnh đái tháo đường, Việt Nam hiện có khoảng hơn 3 triệu bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện chưa có loại thuốc nào có thể điều trị triệt để bệnh này. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, khuyên: Để điều trị bệnh đái tháo đường, ngoài việc uống thuốc còn cần phải kết hợp chế độ ăn uống hợp lý.
Bình luận (0)