Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Vũ Mỹ Linh, Trưởng Khoa Nhũ Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), cho biết để phòng tránh tình trạng tắc tia sữa, người mẹ nên cho bé bú đúng cách.
Áp xe ngực vì tắc tia sữa
Sau khi sinh con đầu lòng được 1 tháng, chị P.T.P.T.V (30 tuổi, ngụ TP HCM) bị tắc tia sữa khiến 2 bầu ngực nóng, đỏ, nổi cục. Tìm hiểu thông tin trên mạng, chị thuê dịch vụ thông tắc tia sữa tại nhà. Tuy nhiên, sau 2 tuần thông tắc tia sữa bằng cách nắn, bóp những vùng nổi hạch, tình trạng vẫn không giảm mà 2 bầu ngực căng tức nhiều hơn kèm sốt cao.
Lo lắng, chị V. đến Bệnh viện Hùng Vương thăm khám, tại đây chị được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc kèm xoa bóp vật lý trị liệu. Tuy nhiên, do tình trạng viêm đã tạo thành nhiều ổ áp xe ở ngực nên chị V. phải rạch da dẫn lưu mủ.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Mỹ Linh cho biết tại Khoa Nhũ của bệnh viện, trong tháng 1-2022 có 1.389 trường hợp đến khám các bệnh về tuyến vú, trong đó có đến 272 ca khám chẩn đoán tắc sữa, viêm tuyến vú, áp xe vú (chiếm tỉ lệ 19,6%).
Theo bác sĩ Mỹ Linh, nhiều sản phụ sau khi sinh bị viêm tuyến sữa với các biểu hiện như bầu vú sưng, nóng, đỏ, đau, sữa tiết ra không thông suốt…, thậm chí tạo thành khối áp xe gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến việc cho con bú. Ðây là bệnh thường gặp ở những sản phụ sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm cho con bú và vệ sinh chăm sóc vú không đúng cách.
Sau mỗi cữ bú của trẻ, cơ thể người mẹ phản xạ có điều kiện tạo sữa nhưng sữa mẹ còn lại trong bầu ngực do bé bú không hết hoặc mẹ không hút phần sữa thừa dẫn đến tắc nghẽn khiến ống tuyến vú giãn ra, phình lên, các mô sữa thấm vào mao mạch, ống dẫn sữa làm sữa tràn ra ngoài gây nên tình trạng viêm.
"Nhiều chị em giải quyết tình trạng tắc tia sữa bằng cách nắn, bóp, điều này vô tình khiến vùng ngực bị tổn thương nhiều hơn. Trước khi cho bé bú, cần làm ấm ngực bằng một tấm gạc hoặc khăn ấm, kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng bầu vú. Nếu cảm thấy ngực căng tức thì cho bé bú bên bị tắc. Cho trẻ bú là cách thông tắc nhanh và hiệu quả nhất" - bác sĩ Mỹ Linh tư vấn.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Mỹ Linh thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh do bác sĩ cung cấp)
Cần giữ tinh thần thoải mái
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hương Lan, Phó trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng tình trạng tắc tia sữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể ở giai đoạn đầu cho con bú hoặc đã cho con bú một thời gian. Nhận biết sớm dấu hiệu tắc tia sữa là khi sờ vào bầu ngực cảm thấy có nhiều điểm cứng, đau; toàn bộ ngực cảm thấy căng, đau, tức; vắt sữa không ra hoặc ra rất ít. Nếu tình trạng trở nặng có thể gây sốt, ớn lạnh.
"Nếu xuất hiện các biểu hiện trên, người mẹ có thể dùng khăn lạnh chườm vào điểm cứng ở ngực trong 10-15 phút (giúp giảm phù nề, đau, tức rất hiệu quả). Sau đó, dùng lược thưa chải từ chân ngực đến quầng vú nhằm khai thông dòng chảy. Nếu tình trạng trên không thuyên giảm, người mẹ nên sớm đi bệnh viện để được bác sĩ tư vấn cụ thể" - bác sĩ Hương Lan khuyên.
Theo các bác sĩ, để phòng tránh tình trạng tắc tia sữa, người mẹ nên cho bé bú đúng cách, thường xuyên và lần lượt từ bên này mới chuyển sang bên khác để tận dụng hết nguồn sữa trong bầu ngực. Nếu trẻ bú xong mà vẫn cảm thấy còn sữa trong ngực thì mẹ nên dùng máy hút sữa vắt hết ra. Có thể trữ đông sữa còn lại để dành cho bé dùng lần sau.
Trường hợp nếu sữa mẹ quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ thì nên cho bé bú thường xuyên nhằm kích thích cơ thể tăng tiết sữa. Trẻ càng bú nhiều thì lượng sữa về càng nhiều, do sữa mẹ được bài tiết theo cơ chế phản xạ. Đặc biệt, các bà mẹ cần uống thêm nhiều sữa (dành cho các bà mẹ sau sinh) trong thời gian cho con bú.
Bác sĩ Hương Lan cho biết thêm một cách phòng tránh tắc tia sữa đơn giản dễ thực hiện mà hiệu quả là trước khi cho bé bú cần vệ sinh bầu ngực sạch sẽ. Sau khi bé bú xong, nếu cảm thấy sữa còn trong ngực cần nặn hết sữa thừa đó ra. Điều này bảo đảm sữa thừa không đọng lại bên trong, làm các tuyến sữa bị tắc. Giữ tinh thần thoải mái và có chế độ ăn uống hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng.
Bình luận (0)