Ép tim, thổi ngạt là biện pháp sơ cứu phổ biến trong tình huống này, nhất là khi xung quanh không có các dụng cụ y tế hỗ trợ. Đây là phương pháp sơ cấp cứu không khó làm nhưng cũng khiến không ít người lúng túng. Ép tim, thổi ngạt sai phương pháp có thể khiến việc sơ cấp cứu không hiệu quả. Thậm chí, vài trường hợp nạn nhân bị… gãy xương sườn do người sơ cứu dồn sức vào một vị trí sai lệch.
Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, khi đưa được nạn nhân bị ngưng thở do đuối nước hay tai nạn vào vị trí an toàn, động tác ép tim, thổi ngạt ngay rất cần thiết. Song, lưu ý vài việc cần làm trước nếu chỉ có một mình: gọi cấp cứu, đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, nằm ngửa và tốt nhất là dùng vải, gỗ… chèn để đầu nằm cố định (phòng trường hợp có tổn thương cột sống cổ) rồi mới bắt đầu thực hiện.
“Nhiều chi tiết nếu không để ý thì việc sơ cứu sẽ trở nên vô ích. Ví dụ, có người đặt nạn nhân lên một tấm nệm, thế là bao nhiêu lực để ép tim chỉ khiến cơ thể nạn nhân lún xuống nệm chứ không có hiệu quả gì cả” - BS Huy lưu ý.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là vị trí, tốc độ và cường độ ép tim. Nếu nạn nhân là nam, điểm ép tim sẽ là điểm giao nhau giữa đường thẳng dọc xương ức và đường nối giữa 2 đầu ngực. Nếu là nữ, xác định điểm nằm phía trên phần mỏm mũi kiếm (của xương ức, ngay khu vực chấn thủy) rồi ép ở điểm dịch lên phía trên 2-3 cm. Độ sâu khi ép tim là khoảng 4-5 cm, tốc độ 100 lần/phút và phải bảo đảm giữa 2 lần ép, ngực nạn nhân đã kịp đàn hồi trở lại. Có thể ép 30 lần, thổi ngạt 2 lần, làm liên hoàn như thế hoặc chỉ ép tim thôi cũng được trong trường hợp người thực hiện sơ cứu không rành thổi ngạt hay ngại sơ cứu cho người lạ. Người ép tim phải dùng sức của cả 2 tay (đặt chồng lên nhau) và ép theo hướng vuông góc với cơ thể người bị nạn.
Trong đa số trường hợp, nạn nhân hoặc người bệnh đã ngưng tim, ngưng thở thì ngoài sơ cứu hồi sinh tim, phổi vẫn cần rất nhiều biện pháp y tế khác. Vì vậy, nên nhớ gọi cho đội cấp cứu chuyên nghiệp, thông báo rõ tình trạng hiện tại và tiến hành ép tim, thổi ngạt trong khi chờ xe cấp cứu đến. Các tổng đài cấp cứu 115 cũng có trách nhiệm tư vấn cho người ở hiện trường về cách sơ cứu. Do đó, nếu không rành cách làm, có thể hỏi rõ trước khi thực hiện để bảo đảm thao tác đúng cách.
Bình luận (0)