Theo SciTech Daily, những phát hiện nhằm giúp nhận diện thêm một nhóm đối tượng nguy cơ đối với đột quỵ - theo các thống kê là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu đối với phụ nữ, từ đó có các biện pháp can thiệp sức khỏe, cải thiện lối sống kịp thời để tai biến đừng xảy ra trong tương lai.
Béo phì, cao huyết áp, tiểu đường... làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, như chúng ta đã biết. Nhưng nghiên cứu mới dẫn đầu bởi tổ chức phi chính phủ InterLACE chuyên thu thập thông tin về bệnh mạn tính và sức khỏe sinh sản cho thấy tiền sử vô sinh, sẩy thai hoặc thai chết lưu cũng làm tăng rủi ro đột quỵ rất rõ ràng.
Một số vấn đề sức khỏe thời trẻ có thể liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao (Ảnh minh họa từ Internet)
Dữ liệu sức khỏe của 620.000 phụ nữ từ 7 quốc gia (Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ), từ 35 đến 73 tuổi, bao gồm gần 276.000 người đã đột quỵ - tử vong hoặc không tử vong) cho thấy mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe sinh sản và biến cố nghiêm trọng này.
Phụ nữ có tiền sử vô sinh có nguy cơ đột quỵ không tử vong cao hơn 14% so với phụ nữ không bị vô sinh. Sẩy thai làm tăng 7% nguy cơ nếu bị sẩy 1 lần; tăng 12% với 2 lần và 35% với 3 lần. Trên 3 lần, nguy cơ đột quỵ không tử vong do thiếu máu cục bộ và xuất huyết não tăng lần lượt 37% và 41%.
Nguy cơ xuất hiện cơn đột quỵ đủ gây tử vong sẽ là 83-84% ở người sẩy thai 3 lần trở lên.
Tiền sử thai chết lưu liên quan đến nguy cơ đột quỵ không tử vong cao hơn 30%, và nếu như điều đó tái phát 2 lần trở lên, nguy cơ đột quỵ không tử vong dạng thiếu máu cục bộ cao hơn 80%. Thai chết lưu tái phát cũng liên quan đến nguy cơ đột quỵ tử vong cao hơn 40%.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy mối liên hệ này có "cây cầu nối" là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và suy buồng trứng sớm (POI), thường kèm theo rối loạn chức năng nội mô làm thu hẹp mạch máu tim.
Ngoài ra, các yếu tố lối sống như béo phì, hút thuốc... cũng vừa liên quan đến sẩy thai, vô sinh, vừa liên quan đến đột quỵ.
Các tác giả lưu ý đây mới chỉ là nghiên cứu dạng quan sát nên vẫn cần thêm những bước nhằm xác định rõ ràng hơn cơ chế. Tuy nhiên dữ liệu trên đủ cho thấy bạn nên quản lý sức khỏe tim mạch cẩn thận hơn, có lối sống lành mạnh hơn để ngừa đột quỵ, nếu như thời trẻ gặp những rắc rối nêu trên.
Bình luận (0)