Theo tiến sĩ Natalie Bello, Giám đốc nghiên cứu về cao huyết áp của Viện Tim Smidt thuộc Bệnh viện Cedars-Sinai (Mỹ), các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra phụ nữ có nguy cơ đột quỵ và gánh nặng tàn tật sau đột quỵ cao hơn nam giới. Vì vậy, họ tìm hiểu nguyên nhân sâu xa có thể góp phần cho khác biệt đó.
Ước tính ở Mỹ cứ 5 ca mang thai thì có 1 ca là thai kỳ bất lợi và tỉ lệ này đang ngày một gia tăng. Nghiên cứu mới do tiến sĩ Bello dẫn đầu lại chỉ ra điều này liên quan đột quỵ.
Phụ nữ trải qua các thai kỳ bất lợi nên chú ý đến nguy cơ đột quỵ khi có các triệu chứng nghi ngờ (Ảnh minh họa từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ)
Theo Medical Xpress, các nhà nghiên cứu đã xem xét trên 144.306 phụ nữ với 316.789 ca sinh. 17,9% số phụ nữ này có ít nhất một lần mang thai với kết quả thai kỳ bất lợi và 2,9% gặp điều này trong 2 lần mang thai trở lên.
Kết quả thai kỳ bất lợi chỉ các lần mang thai mà trong đó người mẹ gặp phải chứng cao huyết áp thai kỳ, sản giật, sinh non...
Nghiên cứu cho thấy với 2 lần hứng chịu thai kỳ bất lợi, nguy cơ đột quỵ có thể tăng gấp đôi. Đặc biệt nguy cơ này tăng từ trước 45 tuổi, tức tăng rủi ro bị đột quỵ sớm.
Tuổi trung bình hứng chịu cơn đột quỵ đầu tiên ở nhóm phụ nữ có 1 lần mang thai bất lợi trong nghiên cứu là 54,8 tuổi, sớm hơn so với 58,3 tuổi ở nhóm trải qua các thai kỳ không bị biến chứng.
Ở nhóm có 2 thai kỳ bất lợi trở lên, tuổi đột quỵ trung bình chỉ là 52,6 tuổi.
"Điều này nhấn mạnh rằng phụ nữ cần chia sẻ lịch sử mang thai của mình với bác sĩ, đặc biệt nếu họ gặp các triệu chứng thần kinh liên quan đến đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua" - tiến sĩ Bello nói.
Các tác giả cũng lưu ý rằng các lần mang thai bất lợi thường liên quan đến bệnh nền ở thai phụ, bao gồm béo phì, cao huyết áp, các vấn đề tim mạch, đau nửa đầu... Có thể giảm bớt rủi ro mang thai bất lợi bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất.
Bình luận (0)