Nghiên cứu mang tên SPIROMICS được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) này khẳng định những người bị bệnh phổi tác nghễn mạn tính (COPD) - một bệnh nền ngày càng phổ biến ngày nay - có thể có diễn tiến cực kỳ xấu nếu đối diện với tình trạng ngủ kém kéo dài.
Các nhà khoa học UCSF lưu ý tới vấn đề khi xem xét một sự khác biệt khó hiểu ở Mỹ: người Mỹ da đen khi bị COPD thì bệnh tiến triển nhanh hơn người Mỹ da trắng, với lối sống tương đương.
Mất ngủ, ngủ kém là những vấn đề không nên bỏ qua với người bị bệnh phổi như COPD - Ảnh minh họa từ Internet
Kết quả công bố trên tạp chí SLEEP khẳng định chính những yếu tố tác động đến giấc ngủ giữa 2 nhóm dân cư này đã gây nên khác biệt. Tại Mỹ, tỉ lệ người Mỹ da đen có mức sống thấp, trung bình cao hơn người Mỹ da trắng nhiều. Một căn nhà chật chội, không yên tĩnh, giường không thoải mái, ngủ chung giường, chung phòng ngủ với nhiều người... liên quan mật thiết đến giấc ngủ kém.
Mất ngủ, ngủ kém vì các nguyên nhân khác như công việc, căng thẳng, bệnh lý... cũng để lại tác động tương tự.
Điều này được đúc kết qua việc theo dõi 1.647 bệnh nhân COPD đang được quản lý bởi nhiều cơ sở y tế khác nhau trên toàn quốc trong vòng 3 năm. Họ được theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh và sự xuất hiện của các cơn bùng phát - tức đợt bệnh trầm trọng hơn.
Bác sĩ Aaron Baugh từ Bộ phận Phổi, chăm sóc chuyên sâu, dị ứng và ngủ của UCSF, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ngủ kém làm tăng nguy cơ xảy ra cơn bùng phát từ 25% lên tận 95%, cao hơn cả tác động của việc hút thuốc hàng chục năm liền.
Bác sĩ Neeta Thakur, nhà nghiên cứu bệnh học của UCSF, tác giả cao cấp của nghiên cứu, khuyên rằng điều này cho thấy người bị COPD và cả các bệnh phổi khác nên thực hiện vệ sinh giấc ngủ. Điều này bao gồm điều trị mất ngủ tại phòng khám khi cần thiết, cũng như cùng gia đình sắp xếp điều kiện ngủ phù hợp, như một cách hỗ trợ điều trị, cải thiện sức khỏe.
Bình luận (0)