ThS - bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết đau đầu nguyên phát thường gặp ở người trẻ tuổi. Tại bệnh viện, đau đầu nguyên phát chiếm 90% trong số bệnh nhân đến khám và thường gặp nhất là đau đầu Migraine hay căng thẳng.
Lưu ý các cơn đau đầu dai dẳng
Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận bệnh nhân T.T.L (21 tuổi), là sinh viên. L. đến khám trong tình trạng đau đầu, mất ngủ. L. cho biết trước nhập viện 2 tháng, cô đột nhiên xuất hiện cơn đau đầu dai dẳng, theo chu kỳ khiến bản thân luôn trong tình trạng mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc, học tập. Đáng chú ý, L. chỉ đau 1 bên đầu và nhạy cảm với ánh sáng.
Sau quá trình khai thác bệnh sử, thăm khám, bác sĩ ghi nhận L. đau đầu Migraine. Cô được bác sĩ tư vấn thay đổi lối sống sinh hoạt và hướng dẫn sử dụng thuốc. Sau 1 tuần điều trị bằng thuốc, cơn đau đầu của L. đã biến mất. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ tái phát nên cô được bác sĩ kê đơn thuốc phòng ngừa.
Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa thăm khám cho người bệnh
Theo bác sĩ Nghĩa, có rất nhiều yếu tố liên quan đau đầu nguyên phát như: Sử dụng rượu, bia; một số loại thức ăn như thịt chế biến có nitrat; dùng nicotine, các chất gây nghiện; thiếu ngủ, mất ngủ, stress; ít hoạt động; viêm xoang gây ho, sổ mũi... Đây là những nguyên nhân kích hoạt cơn đau đầu nguyên phát, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
TS - bác sĩ Đinh Vinh Quang, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết đau đầu là triệu chứng thường gặp ở nhiều người. Có những cơn đau đầu bình thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, một số cơn đau đầu rất nguy hiểm.
Nếu xuất hiện một trong những triệu chứng như cơn đau đầu xảy ra đột ngột khi gắng sức làm việc; đau đầu dữ dội (có thể do tai biến mạch máu não, xuất huyết não, xuất huyết màng não); đau đầu có các triệu chứng của thần kinh (méo miệng, liệt tay chân...); đau đầu kèm theo các triệu chứng như huyết áp tăng, nhịp tim chậm hơn...; đau đầu với mức độ tăng dần; người trên 50 tuổi… thì cần đến bệnh viện thăm khám để điều trị kịp thời.
Không nên hoang mang
Theo bác sĩ Quang, đau đầu được chia làm 2 loại nguyên phát và thứ phát. Đau đầu thứ phát gây ra từ những bệnh lý khác như bệnh nhân có khối u não, tai biến mạch máu não, vấn đề về viêm não... Đau đầu nguyên phát xảy ra do rối loạn chức năng hoặc hoạt động quá mức của các cấu trúc nhạy cảm đau ở đầu, không liên quan bệnh gì tiềm ẩn. Các dạng hay gặp nhất là đau đầu Migraine, đau đầu dạng căng thẳng, đau đầu từng cụm.
Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo nhằm hạn chế đau đầu nguyên phát, người bệnh cần phải bảo đảm giấc ngủ tốt như ngủ đúng giờ, hạn chế sử dụng điện thoại, xem tivi trước khi đi ngủ... Bên cạnh đó, cần phải ăn đúng giờ, không bỏ bữa; hạn chế ăn những thực phẩm kích hoạt đau đầu như các loại thịt chế biến có nitrat… Ngoài ra, nên tập thể dục thường xuyên và hạn chế stress. Thực hiện tốt những hoạt động này có thể giảm bớt cường độ cơn đau đầu.
Với một số loại như đau đầu Migraine, người bệnh sẽ được khuyên phải tắt đèn trước khi ngủ, lau mát ở vùng cổ gáy nếu có thể; uống một ít cà phê. Đặc biệt, nên ghi nhật ký đau đầu.
"Đây là việc làm rất quan trọng để theo dõi cơn đau và cũng là dữ liệu để bác sĩ có thể xem cơn đau đầu này diễn ra như thế nào, tần suất ra sao…, nhằm giúp người bệnh sử dụng thuốc phù hợp và tư vấn giãn cơn đau. Ngoài ra, phải tư vấn cho người bệnh hiểu và chấp nhận bệnh đau đầu của mình. Tránh trường hợp người bệnh hoang mang phải đến nhiều nơi thăm khám" - bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
Khi nào nên chụp MRI hay CT?
Trước thắc mắc rằng người bị đau đầu có nên chụp CT hay MRI để kiểm tra đột quỵ hay không, bác sĩ Nghĩa giải thích CT hoặc MRI là công cụ hình ảnh học cận lâm sàng hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán đột quỵ. "Đột quỵ ở đây có nghĩa là nhồi máu, huyết khối tĩnh mạch nội sọ... Tuy nhiên, không phải ai cũng được chỉ định chụp CT hay MRI. Bởi lẽ, đây là phương pháp cận lâm sàng đắt tiền và có tác dụng phụ. Không phải cứ đau đầu là sẽ chụp CT hay MRI" - bác sĩ Nghĩa khẳng định.
Theo bác sĩ Nghĩa, chụp CT hay MRI được sử dụng trong trường hợp người bệnh có yếu tố nguy cơ cao hoặc có cơn thiếu máu não thoáng qua. Nghĩa là xuất hiện những triệu chứng giống đột quỵ nhưng phục hồi nhanh - là nhóm nguy cơ cao cần khảo sát thì sẽ được chỉ định chụp MRI hay CT.
Bình luận (0)