Tại lễ mít tinh và hội thảo trực tuyến hưởng ứng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10-10) được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tổ chức sáng 10-10, PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho thấy, tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng cao hơn trong đại dịch Covid-19.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người bệnh điều trị bệnh tâm thần- Ảnh: Bộ Y tế
Đáng chú ý, đại dịch đã tác động đến một số nhóm dễ bị tổn thương là nhân viên y tế, người ở tuyến đầu chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân... Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm gia tăng đáng kể các rối loạn sức khỏe tâm thần, làm trầm trọng hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề.
"Tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần"- ông Thuấn nói.
Nhân viên y tế là đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19
Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I thời gian qua cho thấy tại đây đã nhận điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch và hậu Covid-19, điển hình là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung.
Ngoài ra, nhiều trường hợp gặp tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp khi đến lịch tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, bị sang chấn tâm lý khi phải giãn cách kéo dài. Một số trường hợp đến khám bệnh về sức khoẻ tâm thần có cuộc sống bị xáo trộn sau khi mất việc làm, giảm lương... do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hầu hết các bệnh nhân này là học sinh, sinh viên và người trong độ tuổi lao động.
"Nếu không được điều trị, bệnh nhân rối loạn tâm thần có thể diễn biến nặng, không có khả năng xử lý công việc, thậm chí trầm cảm, có ý nghĩ tự sát"- một bác sĩ chia sẻ.
Bình luận (0)