Bí ẩn này được công bố tại buổi chia sẻ chuyên môn y khoa "Hiểu rõ các giới hạn của bản thân trước khi tập luyện" do Phòng khám Bệnh Đại học Y Dược 1 TP HCM tổ chức ngày 10-10. PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cho biết một số trường hợp chủ quan về sức khỏe có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng khi luyện tập thể thao.
Trong thời gian vừa qua, khi đo gắng sức tim mạch-hô hấp Phòng khám Bệnh Đại học Y Dược 1 đã phát hiện nhiều ca bệnh lý chỉ xuất hiện trong lúc gắng sức, tập nhẹ mà người tập không nhận biết được. Những trường hợp này nếu thi đấu hay tập luyện cường độ cao sẽ dễ xảy ra tai biến, đột tử. Các ca tai biến đột tử, như trường hợp chàng trai 23 tuổi tham gia cuộc thi marathon tại TP HCM vừa qua là một ca điển hình.
Chuyên gia hô hấp chia sẻ chuyên môn nhiều người trẻ đột tử do chủ quan
Theo PGS Lê Thị Tuyết Lan, nhiều bạn trẻ có những nguy cơ tiềm ẩn khi tập luyện thể thao nhưng họ không hề nhận ra. Nhiều bệnh lý không hiện diện lúc nghỉ mà chỉ xuất hiện trong lúc gắng sức được bộc lộ ra như: Huyết áp tăng giảm bất thường, rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh... Do đó, để đảm bảo an toàn, mỗi cá nhân nên tham vấn chương trình tập luyện phù hợp với giới hạn sức khỏe của bản thân (đặc biệt những đối tượng có nguy cơ tim mạch, hô hấp, ít tập luyện hay tập luyện thường xuyên với cường độ cao). Trước khi quyết định tập môn thể thao cường độ tập luyện cao, có thể đo khám các chức năng hô hấp – tim mạch để xác định mức tập luyện cho phù hợp.
"Các trường hợp này không có dấu hiệu báo trước, chỉ khi tập luyện gắng sức mới phát hiện. Người còn trẻ, sung sức, chẳng may bị xuất huyết não gây liệt nửa người là gánh nặng không chỉ cho gia đình mà cả xã hội. Tập thể dục tốt nhưng sao cho an toàn, mang lại hiệu quả nên cần hiểu rõ tập đến khi nào thì ngừng" - ThS-BS Vũ Trần Thiên Quân, chuyên khoa hô hấp, nhấn mạnh.
Bình luận (0)