GS-TS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, cho biết Covid-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người dẫn đến các rối loạn về tâm thần như stress, trầm cảm, lo âu…
Sang chấn tâm lý
BS Lê Tuấn Thành - Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, phụ trách mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" - cho biết trong quá trình tư vấn cho bệnh nhân F0, các bác sĩ nhận thấy không ít người bệnh rất hoang mang đã liên tục gọi 115. "Nhiều ca bệnh nhân đã hoảng loạn do triệu chứng nặng cần cấp cứu, thậm chí có người dù không có triệu chứng nào nhưng họ vẫn có triệu chứng hoảng loạn, bất an" - BS Thành nói.
Chuẩn bị túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà
Việc giãn cách xã hội không được giao tiếp với nhiều người xung quanh hay trong gia đình có người thân mắc Covid-19 phải điều trị tại nhà khiến các thành viên còn lại không khỏi lo âu, căng thẳng nên từ F0 và người nhà của F0 rất dễ bị gặp phải các vấn đề về tâm lý.
Người mắc Covid-19 có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như: sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân; thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung; ăn uống kém, chán ăn. Các bệnh mạn tính trầm trọng hơn như bệnh dạ dày, tim mạch... và các bệnh tâm thần cũng có thể trầm trọng hơn.
GS-TS Cao Tiến Đức cho biết nhiều nghiên cứu ở Mỹ đã ghi nhận có đến 30% bệnh nhân mắc Covid-19 có các di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh. "Tâm lý lo lắng, sợ hãi rằng mình có thể bị mắc bệnh, khi mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong, nhất là ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính; những trẻ em đi cách ly không được gần bố mẹ; nhiều người trong gia đình mắc bệnh… Đó là những chấn thương tâm lý rất nghiêm trọng" - GS Đức thông tin.
Nhờ người khác giúp đỡ
Theo các bác sĩ, để giúp giảm căng thẳng tinh thần của F0 điều trị tại nhà, một trong những giải pháp đầu tiên các F0 cần lưu ý thực hiện là không nên xem, đọc hoặc nghe quá nhiều những câu chuyện tin tức về dịch Covid-19, nhất là trên các mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube, TikTok... Bởi những thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội có thể làm trầm trọng hơn sự lo lắng, sợ hãi, căng thẳng của F0, nhất là những thông tin về tử vong, các lo lắng dịch bệnh bùng phát... Đó là chưa kể đến những thông tin rác thiếu chính xác trên mạng xã hội, làm thổi phồng nỗi sợ hãi về dịch bệnh, khiến các F0 càng thêm căng thẳng.
Bộ Y tế đã có khuyến cáo các F0 ở nhà nên lưu tâm chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân như: hít thở sâu hoặc thực hành thiền; cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya. Đồng thời tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.
F0 nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)... Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh.
"Bạn có thể gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Thừa nhận là việc căng thẳng cũng không sao, không có gì là xấu hổ khi nhờ người khác giúp đỡ" - Bộ Y tế lưu ý.
Tư vấn trực tuyến cho F0 điều trị tại nhà
Để ứng phó với dịch bệnh phức tạp, số lượng F0 điều trị tại nhà gia tăng, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện ở các tỉnh có dịch bệnh phức tạp cần thành lập phòng tư vấn, điều trị chăm sóc các F0 tại nhà. Bên cạnh tư vấn về điều trị bệnh, các bác sĩ còn cần phải trấn an và hướng dẫn F0 hướng tới những hoạt động tích cực, lành mạnh, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bình luận (0)