ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng - Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) ĐHQG TP HCM - cho biết theo kết quả nghiên cứu trên 230.000 hồ sơ sức khỏe của những bệnh nhân tại Mỹ được công bố trên tạp chí y khoa Medscape Medical News, có tới 1/3 số người khỏi Covid-19 mắc bệnh tâm thần hoặc thần kinh như rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, lạm dụng chất gây nghiện và mất ngủ.
Cần can thiệp sớm
Theo ThS Thanh Tùng, trong quá trình thực hiện chương trình "Vắc-xin tinh thần", cô cùng đồng nghiệp đã gặp rất nhiều trường hợp là F0 đã khỏi bệnh bị khủng hoảng tâm lý. Đơn cử, một bệnh nhân nữ (25 tuổi) đã khỏi Covid-19 nhưng vẫn còn những triệu chứng như tức ngực, khó thở, ho. "Chúng tôi đã phải lắng nghe và chia sẻ với người bệnh. Sau 3 buổi trò chuyện các vấn đề tâm lý của bệnh nhân này đã trở nên ổn định và tín hiệu vui là người bệnh đã trở thành một trong những người tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng" - ThS Thanh Tùng kể.
Nữ giảng viên này cho biết các vấn đề sức khỏe tâm thần nếu không được can thiệp sớm sẽ ngày càng trầm trọng và để lại di chứng lâu dài, thậm chí dẫn tới nhiều vấn đề không mong muốn. Vì vậy, với những người F0 đã khỏi bệnh nhưng gặp phải những vấn đề về tâm lý thì cần phải được quan tâm hỗ trợ bằng các phương pháp trị liệu tâm lý.
ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng đang tư vấn tâm lý trực tuyến cho người bệnh. (Ảnh doTrường ĐH KHXH-NV TP HCM cung cấp)
Chất miễn dịch "tinh thần Việt"
TS Nguyễn Thị Thanh Tú, Khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH-NV TP HCM, cho rằng trong những lúc nguy khó, người Việt Nam vẫn có sức bật rất cao, khó khăn mấy cũng vượt qua được. Bên trong mỗi người Việt luôn có khả năng tự phục hồi tinh thần, sức bật tinh thần, còn được gọi là chất miễn dịch "tinh thần Việt".
Người Việt luôn có rất cao 4 yếu tố là: khả năng thích nghi, mục tiêu sống, giá trị sống, sự lạc quan. Để phục hồi tinh thần trong giai đoạn này, cần chú trọng khơi dậy những chất miễn dịch "tinh thần Việt" sẵn có này bằng cách nạp năng lượng tích cực thường xuyên, trị liệu tinh thần bằng yoga hay mát-xa thư giãn.
"Để người bệnh sớm phục hồi tâm lý sau khi mắc Covid-19, trước hết người bệnh cần phải có những suy nghĩ tích cực, hướng tới những điều vui vẻ trong cuộc sống, tránh đọc các tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, có thể tham gia các hoạt động xã hội như "F0 khỏi bệnh hỗ trợ F0" tại các bệnh viện cũng là một cách người bệnh giảm bớt những lo âu và căng thẳng không cần thiết, "nạp" thêm năng lượng sống tích cực" - ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng tư vấn.
Ngoài ra, gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hồi phục cho người F0. Sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương, động viên, chăm sóc của các thành viên trong gia đình sẽ là liều "vắc-xin tinh thần" hiệu nghiệm giúp F0 nhanh chóng trở lại tâm lý ổn định.
Bên cạnh đó, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, các F0 bên cạnh việc suy nghĩ lạc quan thì cần quan tâm chăm sóc sức khỏe đúng mức. Nên cố gắng ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt lành mạnh (ngủ đủ giấc, tập thể dục hằng ngày với các động tác phù hợp).
Chương trình "Vắc-xin tinh thần" do Trường ĐH KHXH-NV TP HCM triển khai, các chuyên gia tâm lý sẽ tư vấn cho F0 có di chứng tâm lý, tâm thần hậu Covid-19 qua các nền tảng trực tuyến, mỗi trường hợp có thể can thiệp 5-15 buổi.
Qua đó, các chuyên gia còn thông tin về những nơi tiếp nhận y tế, an sinh xã hội cần thiết cho bệnh nhân.
Bình luận (0)