Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị khủng hoảng tâm thần, tâm lý do Covid-19. Tuy nhiên, sự khủng hoảng ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào sức lực và cách thức chống đỡ của từng người.
Những tác động đến sức khỏe tâm thần
Chị T., 32 tuổi, đang là nhân viên kinh doanh cho một công ty thương mại điện tử tại TP HCM. Chị liên hệ đến chương trình "Vắc-xin tinh thần" để được hỗ trợ tâm thần với các triệu chứng nổi bật kéo dài gần 2 tháng qua. Các triệu chứng này tập trung vào việc chị gia tăng sự đau khổ, lo lắng, sợ hãi, có những suy nghĩ tiêu cực, rối loạn giấc ngủ và trở lại với các ký ức khủng hoảng trong quá khứ...
TS Lê Minh Công đang tư vấn tâm lý cho một người bệnh. (Ảnh do Trường ĐH KHXH-NV TP HCM cung cấp)
Khi dịch Covid-19 bùng phát, phải giãn cách xã hội, chị T. sống trong công ty. Cách đây 2 tháng, người bảo vệ công ty có những hành động bỡn cợt, nguy cơ xâm hại đến chị. Thời thơ ấu, chị T. từng bị xâm hại tình dục, tổn thương sang chấn chưa dứt và trở thành triệu chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Những triệu chứng này khi gặp tác nhân bên ngoài là hành vi khiếm nhã của người bảo vệ, đã bị kích hoạt và khởi phát trở lại, phải điều trị rất nhiều lần mới có thể cải thiện được.
Tương tự, chị H. cũng chịu ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý khi dịch bệnh bùng phát, chị có triệu chứng trầm cảm từ rất sớm, thậm chí từng có ý nghĩ tự sát. Gần đây do giãn cách xã hội nên chị không thể đi làm, mỗi ngày đều sống trong phòng kín càng làm chị gia tăng khủng hoảng.
May mắn, cả hai trường hợp đều tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời, chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi tiếp nhận những trường hợp như thế này, với vai trò người tham vấn trị liệu, một nhà tâm lý lâm sàng phải tách cảm xúc của cá nhân ra khỏi câu chuyện của thân chủ, từ đó mới có thể giúp họ phục hồi tốt.
Chuyên gia hỗ trợ trị liệu
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhất là khoảng thời gian giãn cách xã hội hiện nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng vừa triển khai chương trình "Vắc-xin tinh thần" hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân tại TP, các chuyên gia sẽ hỗ trợ tham vấn trị liệu tâm lý qua các hình thức từ xa như Google Meet, Zoom, Zalo... nhằm kịp thời hỗ trợ nâng đỡ tâm lý cho người bệnh.
Để vượt qua khủng hoảng tâm lý giai đoạn này, mọi người cần phải xây dựng chiến lược chống đỡ tâm lý như: duy trì thói quen sống tốt, tập luyện thể chất, tập thở, luôn nhìn nhận mọi chuyện theo giá trị tích cực của cuộc sống, có lòng biết ơn đối với cuộc sống này thì sẽ thấy hài lòng hơn.
Đây là những cách để ứng phó với tình huống dịch nhưng khi nhận thấy có nguy cơ triệu chứng tổn thương căng thẳng, chúng ta cũng cần xem lại và giải quyết một cách căn cơ. Nếu không thể giải quyết được vấn đề thì nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn hỗ trợ.
Nghiên cứu cho thấy những người có triệu chứng PTSD có thể phải chịu ảnh hưởng ngay trong giai đoạn Covid-19 hoặc bị ảnh hưởng kéo dài đến vài năm sau. Nhóm bị ảnh hưởng kéo dài về sức khỏe tâm thần hay PTSD là bệnh nhân Covid-19 nặng, những người đối diện với sự mất mát người thân hay những nhân viên y tế chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bình luận (0)