Trưa 22-2, thời tiết tại TP HCM khá oi bức, nắng gắt. Di chuyển trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP HCM, phóng viên nhận thấy mặt đường tạo nên hiện tượng ảo ảnh xuất hiện vũng nước trước mặt. Dùng thiết bị đo, nhiệt độ ở khu vực trên đạt 35 độ C. Cũng tại đây, rất nhiều người phải nhíu mắt lại vì ánh sáng quá chói chang.
Nguy cơ bỏng da
Tại góc đường, bà Lê Thị Bích (69 tuổi) phải nép mình sâu vào mái hiên để bán vé số. Bà dùng khăn quấn kín đầu, rồi than thở: "Sáng trời rất mát, đến mức phải mặc áo len khi ra đường. Tuy nhiên, không hiểu sao trưa lại nắng gắt đến choáng váng. Đoạn đường này lại ít bóng cây, nên mọi thứ ngột ngạt đến khó thở".
Phản hồi về việc này, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết tình trạng tia cực tím (UV) tại TP HCM đang ở mức cao, gây nguy hiểm cho da và sức khỏe. Kết quả đo cho thấy từ ngày 22 đến 24-2, chỉ số UV sẽ ở mức từ 9-10. Theo Tổ chức Y tế thế giới, với mức độ này, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ bị bỏng da.
Từ ngày 22 đến 24-2, cần che chắn cẩn thận khi ra đường, nhất là vào buổi trưa. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Điều đáng lưu ý, trong 3 ngày có UV đạt đỉnh thời tiết thay đổi liên tục theo múi giờ. Cụ thể vào buổi sáng, thời tiết thoáng mát, se lạnh. Tuy nhiên, khung giờ từ 9-15 giờ, chỉ số UV ở mức cao đến rất cao.
Đánh giá tổng quan về tình hình UV hiện nay, một dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin trong 6 tháng qua, TP HCM đã đón nhận hơn 10 đợt có UV đạt cực đại. Đặc biệt tập trung vào tháng cuối năm 2020. Buổi sáng, TP luôn xảy ra hiện tượng sương mù (có khi mù khô) nhưng đến trưa thì chuyển nắng gắt, UV tăng cao.
Theo dự báo, thời gian tới UV sẽ tiếp tục diễn biến thất thường vì TP HCM và các tỉnh Nam Bộ đang bước vào mùa khô. Nắng nóng và kết hợp hiện tượng bức xạ nhiệt dẫn đến UV gia tăng. Thời tiết trong khoảng thời gian này vào buổi trưa thường là nắng gắt và oi bức.
Đạt đỉnh vào ngày 23-2
Bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho biết UV trên mức 7 là đã có dấu hiệu gây nguy hiểm cho da. Trong khi ngưỡng tại TP do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin từ ngày 22 đến 24-2, chỉ số UV đạt từ 9-10, với mức này là đã gây ra cháy nắng. Trong thời gian nắng nóng với UV ở mức cực đỉnh như vậy, sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, vì vậy không nên chủ quan mà cần phải phòng tránh.
"Để bảo đảm an toàn, cần hạn chế ra ngoài, nhất là vào buổi trưa. Nếu phải đi ra ngoài trong khoảng thời gian này cần trang bị đồ chống nắng, đeo kính râm bảo vệ mắt. Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau, trái cây, nhất là những loại giàu vitamin C" - bà Xuân Lan khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, tia cực tím thật ra không hoàn toàn có hại, ngược lại rất quan trọng trong cuộc sống vì giúp tổng hợp vitamin D, chống còi xương, phòng ngừa ung thư ruột kết; chữa một số bệnh ngoài da. Tuy nhiên, bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời thì rất nguy hại khi con người ở ngoài trời lâu, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao (thường từ 10-15 giờ hằng ngày), có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể...
Một dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: "Qua hệ thống phân tích các yếu tố về thời tiết tại Việt Nam, dự báo tình trạng UV tăng cao sẽ kéo dài 3 ngày (từ 22 đến 24-2), sẽ đạt đỉnh cao nhất vào ngày 23-2. Tuy nhiên, trên hệ thống Weather Online (Anh) lại đưa ra kết quả UV đạt mức cao kéo dài đến 5 ngày (tức sẽ kết thúc vào ngày 25-2).
UV đạt mức cao vào thời điểm mùa khô được cho là hiện tượng bình thường, diễn ra hằng năm. Để ngăn chặn, chỉ có biện pháp hạn chế ảnh hưởng của tia UV bằng cách ăn mặc "che chắn" cẩn thận khi phải ra đường vào buổi trưa, nếu không thật sự cần thiết thì hạn chế ra đường trong khoảng thời gian này. Trồng nhiều cây xanh và kết hợp giảm khí thải ô nhiễm là giải pháp lâu dài để bảo vệ môi trường và ngăn chặn tia cực tím tác động đến sức khỏe con người".
Bình luận (0)