Các bác sĩ vừa làm nên chuyện hy hữu khi ôm 1 trái tim, 1 lá gan lên máy bay dân dụng, trải qua hành trình hơn 1.700 km để cứu 2 người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Gần 3 ngày được ghép gan và tim, đến ngày 7-9, các xét nghiệm của 2 bệnh nhân cho thấy sức khỏe tiến triển tốt. Trước ống kính của các nhà báo, bệnh nhân được ghép tim N.V.H (37 tuổi; ngụ Hà Nội) giơ bàn tay với nụ cười tươi. Sau khoảng 10 ngày nữa, bệnh nhân có thể xuất viện.
Chuyến bay nhiều cảm xúc
Kể về hành trình nghẹt thở đưa lá gan và trái tim của người chết não từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) ra BV Việt Đức (Hà Nội) để ghép cho 2 bệnh nhân, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Tim mạch và Lồng ngực BV Việt Đức, chia sẻ: “Chúng tôi đã có một chuyến bay nhiều cảm xúc. Vừa ôm tạng vừa lo lắng, căng thẳng sợ tạng ra khỏi cơ thể lâu quá sẽ hỏng, sợ những bất trắc trên chuyến hành trình dài mặc dù mọi thứ đã được tính toán rất kỹ. Tim và gan mỗi khối được bọc riêng các lớp trong túi bảo quản. Bọc bên ngoài là túi đá lạnh để duy trì nhiệt độ phù hợp. Quá trình vận chuyển còn phải bơm thêm dung dịch bảo quản để tim, gan được giữ nguyên không bị hỏng. Suốt chặng đường 1.700 km, chúng tôi phải 4 lần bổ sung dung dịch đặc biệt, trong khi với ca ghép thông thường lấy tạng ở gần thì chỉ cần xử lý một lần. Điều kỳ diệu là trái tim đã hoạt động ngay khi nối mạch, còn lá gan lập tức có nước mật sau khi ghép vào cơ thể mới”.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, hơn 60 cán bộ y tế của BV Việt Đức và Chợ Rẫy đã cùng tham gia để thực hiện quá trình lấy tạng, vận chuyển, ghép tạng trong lần ghép đặc biệt này.
Bệnh nhân đã tỉnh táo sau ca ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức Ảnh: Ngọc Dung
Khó thuyết phục hiến tạng
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết hiện Việt Nam có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Dù vậy, nguồn tạng trông chờ để ghép là rất hiếm.
Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh.
GS-TS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu thận học TP HCM, cho rằng theo quy định của Luật Hiến mô - tạng, việc xác định người “chết não” là sau 24 giờ được đơn vị điều phối và các bác sĩ chuyên môn thống nhất là não “không còn phục hồi”. Tuy nhiên, việc thuyết phục để gia đình đồng ý hiến tạng là rất khó khăn. Nếu người thân đồng ý vào lúc tạng còn giá trị sử dụng thì quý giá vô cùng. Y học đã chứng minh tỉ lệ thành công trong sử dụng tạng từ người chết não là 90%, từ người chết tim là 70%.
Theo GS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - không ít người Việt Nam lo lắng và hy vọng người chết não vẫn có khả năng sống nên thường trì hoãn hoặc không đồng ý hiến tạng. Thực tế trên thế giới chưa có trường hợp nào chết não tỉnh lại. Để kiểm tra bệnh nhân đã chết não hay chưa thì phải có hội đồng y khoa với các chẩn đoán, chiếu chụp, đánh giá rất tỉ mỉ. Ở Mỹ, quy trình kiểm tra bệnh nhân chết não chỉ có 1 lần nhưng ở Việt Nam để người nhà bệnh nhân thực sự chấp nhận mất mát, quy trình kiểm tra chết não phải trải qua 3 lần, sau mỗi lần kiểm tra lại phải hồi sức để giữ cho tạng khỏe mạnh. Chi phí hồi sức cho người chết não rất tốn kém, chưa kể cơ hội nhận tạng khỏe mạnh sẽ giảm đi.
Các chuyên gia ghép tạng cho biết điều kiện cơ sở vật chất để ghép tạng ở Việt Nam không bằng các nước tiên tiến nhưng về kinh nghiệm lâm sàng thì không thua kém. Trong khi đó, chi phí một ca ghép tạng ở Việt Nam chỉ từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, ở nước ngoài phải 4-5 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn chấp nhận ra nước ngoài ghép tạng vì ở trong nước vô cùng khan hiếm nguồn tạng. Tuần nào BV Việt Đức cũng tiếp nhận bệnh nhân trở về điều trị sau khi ghép tạng ở nước ngoài.
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu - Khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - cho biết đơn vị này hoạt động vì mục đích nhân đạo, không vụ lợi, hội đồng gồm 20 thành viên làm việc minh bạch trong quản lý cũng như điều phối nguồn tạng. Người cho và nhận không biết nhau, việc bố trí nhận tạng phải theo quy định, đúng đối tượng. Người có tâm nguyện hiến tạng khi qua đời (chết não, ngưng tuần hoàn) sẽ được cấp thẻ đăng ký. Khi cấp cứu điều trị, nếu người bệnh không qua khỏi, bác sĩ sẽ căn cứ trên tâm nguyện đó để lấy các bộ phận hiến. Sau một năm triển khai vận động, ở đây đã nhận được hơn 700 hồ sơ của người tự nguyện hiến tạng cứu người khi chẳng may qua đời từ khắp nơi trên cả nước. Người tự nguyện hiến tạng có thể đăng ký trực tiếp tại BV hoặc qua điện thoại (08.39560139) hoặc qua email (dieuphoigheptangbvcr@gmail.com).
Tỉ lệ sống tương đương thế giới
Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng. Chỉ riêng BV Việt Đức đã tiến hành 25 ca ghép gan (trong đó 3 trường hợp được ghép từ người cho sống), 11 ca ghép tim và hơn 250 ca ghép thận. Bệnh nhân đầu tiên được ghép gan tại BV Việt Đức vào năm 2007 là một phụ nữ, hiện sức khỏe tốt, đang sống ở Anh. Với những bệnh nhân ghép tim, người sống lâu nhất là 4 năm. Tỉ lệ sống sau ghép tạng của bệnh nhân ở Việt Nam tương đương với thế giới.
Bình luận (0)