Bức ảnh chụp bé Phi Phụng nằm trên giường bệnh mắt nhắm nghiền, còn Phi Long mặc quần áo bệnh nhân đang hôn lên trán người anh em song sinh của mình... Ngày 26-11-2013, cặp song sinh này được các bác sĩ mổ tách nhau nhưng bé Phi Phụng không thích nghi được với cuộc sống độc lập nên đã lìa trần vào ngày 23-2-2014.
Vì sao cư dân mạng rơi lệ, người xem xúc động với bức ảnh này và chọn đó là “bức ảnh xúc động nhất của năm mới 2014”? Có lẽ trước hết là hình ảnh ngây thơ nhưng quá cảm động của Phi Long - Phi Phụng, sau đó là thần thái của bức ảnh và cái tâm của người cầm máy - chính là bác sĩ trực tiếp tham gia ca phẫu thuật. Chắc hẳn bác sĩ Định tiên lượng được số phận của bé Phi Phụng và góc máy của ông như chùng xuống, những nhân vật phụ khác (có lẽ là bác sĩ điều trị, điều dưỡng hay hộ lý) cũng chùng xuống như muốn nghe lời trăng trối của bé Phi Phụng. Bức ảnh vô ngôn vì bé Phi Long còn bé quá, có nói được gì đâu nhưng nụ hôn của em đã nói lên tất cả…
Đó chỉ là một trong vô số hình ảnh cảm động từ ngành y. Bạn hãy đến các khoa điều trị, chuyên khoa ở nhiều bệnh viện, hãy chứng kiến cảnh bệnh nhân xuất viện khi đã điều trị xong, những sản phụ mẹ tròn con vuông ra về trong vòng tay trìu mến của các bác sĩ, nhân viên y tế… Có lẽ đó là những phút giây hạnh phúc nhất của người thầy thuốc chứ không phải gặp một ca bệnh có thể “hái ra tiền”.
Ngành nghề nào trong xã hội cũng đều hoạt động theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, với ngành y, ngoài khuôn khổ đó họ còn còn bị ràng buộc ngoài pháp lý về y đức và phải hiểu tận tâm can lời thề của Hyppocrates. Hải Thượng Lãn Ông, một danh y của nước ta, từng nói: “Suy nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, họa phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”. Vì vậy, Hải Thượng Lãn Ông tự răn mình phải “tiến đức, tu nghiệp”.
Những lời răn dạy đó của Hải Thượng Lãn Ông hầu như bác sĩ nào cũng biết nhưng tiếc thay đâu đó vẫn còn những lời ta thán về y đức thời hiện đại. GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, từng phát biểu: “Trên thực tế không có nhà tỉ phú nào trở thành tỉ phú bằng nghề khám chữa bệnh. Dùng nghề thầy thuốc làm động cơ làm giàu thì cực kỳ tai hại...”. Sự giàu có của người thầy thuốc chính là bảo vệ được sinh mạng của con người. Dù thế, đồng tiền luôn có sức hấp dẫn và thầy thuốc cũng là con người, họ không sống được bằng lương thì phải tự mưu sinh bằng nghề nghiệp của mình.
Khi tự mưu sinh, chạy theo đồng tiền thì người thầy thuốc sẽ đánh rơi y đức. Nhiệm vụ của nhà nước là phải tạo điều kiện cho người thầy thuốc sống được bằng nghề một cách chân chính. Đó chính là cách xây dựng y đức, bảo vệ y đức, chứ không phải những lời nói suông.
Bình luận (0)