“Trời mới ngưng mưa được vài tuần, chưa kịp thư thả vì tối đến khỏi mất công mắc mùng thì cả hai cô nhóc - 2 tuổi và 6 tuổi - lại lần lượt ngã bệnh, đứa thì sốt xuất huyết (SXH), đứa kia bác sĩ (BS) bảo sốt siêu vi mà siêu vi gì thì chưa rõ…” - chị Ng.B.N (38 tuổi; một giáo viên ngụ ở quận 4, TP HCM) than thở trên Facebook.
Bệnh do muỗi có quanh năm
Mùa mưa vừa kết thúc, nỗi lo của nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh, về SXH và căn bệnh Zika “mới toanh” cũng tạm thời dịu theo. Ở một số quận trên địa bàn TP HCM, người dân đã có thể thảnh thơi ra cửa hóng mát ban đêm mà tay không phải lăm lăm… cây vợt muỗi. Tuy nhiên, theo khảo sát tại các bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2…, các khoa SXH tuy không còn đông nhưng vẫn có bệnh nhi ra vào. Còn các đơn vị điều trị cho người lớn thì thi thoảng vẫn tiếp nhận người bị sốc SXH vào cấp cứu.
Nên thay nước bình hoa hằng ngày để tránh… tiếp tay cho lăng quăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng TP HCM, khẳng định thời điểm nào trong năm cũng cần đề phòng bệnh do muỗi đốt. Trong đó, nguy hiểm nhất là SXH. Bệnh này có 4 chủng virus Dengue khác nhau gây ra, nếu đã mắc chủng nào thì sẽ miễn dịch với chủng đó suốt đời. Do đó, mỗi người có thể mắc SXH tối đa 4 lần trong đời, nghĩa là những người chưa từng mắc bệnh này hay bệnh chưa đến 4 lần vẫn phải đề phòng với muỗi, cho dù là mùa khô!
Trong một buổi giao lưu trực tuyến gần đây do Bộ Y tế và Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức, BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, đã giải thích rằng do đặc điểm sinh trưởng của muỗi có giai đoạn phát triển trong nước sạch và trong những vật dụng chứa nước ở nhà như lu, hồ trữ nước, bình bông, chén nước cúng... nên nguy cơ phát sinh muỗi truyền bệnh SXH hay bệnh do virus Zika vẫn luôn hiện hữu, dù trong mùa mưa hay mùa khô. Theo bà Nga, đây là một bệnh truyền nhiễm lưu hành tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam. Bệnh xuất hiện quanh năm và tăng cao trong những tháng mùa mưa do có nhiều điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Chú ý tập tính của muỗi Aedes
BS Nguyễn Minh Tiến lưu ý tập tính của muỗi Aedes (vật chủ trung gian mang mầm bệnh SXH, Zika) có ít nhiều khác biệt với các loại muỗi thông thường. Vì thế, nếu nắm rõ những điều này thì việc phòng bệnh sẽ hiệu quả hơn.
Thứ nhất, nơi sống ưa thích của muỗi Aedes là trong nhà chứ không phải đâu đó ngoài đường, ngoài sân vườn như nhiều người thường nghĩ. Khi sống trong nhà, chúng sẽ chọn những nơi có nước sạch để đẻ trứng. Vì thế, tốt nhất là nên thay nước bình hoa, chén cúng... hằng ngày, khi đó trứng sẽ không kịp phát triển thành muỗi. Nhiều gia đình có thói quen dùng chén, hũ nhỏ đựng nước, kê dưới chân tủ, kệ để thức ăn nhằm chống kiến. Nếu thấy bất tiện khi thay nước thường xuyên thì có thể cho ít muối vào nước.
Tập tính đặc biệt thứ hai của loài muỗi mang bệnh SXH này là chúng thích chích người vào ban ngày nhiều hơn ban đêm. “Ban đêm nên ngủ mùng để chống muỗi, đó chắc chắn là điều nên làm. Nhưng nếu ngủ trưa mà không dùng mùng hay biện pháp chống muỗi nào khác, bạn vẫn có nguy cơ cao bị muỗi mang mầm bệnh chích” - BS Tiến nhấn mạnh.
Theo BS Tiến, với trẻ em, độ tuổi dễ mắc SXH nhất là từ 4 đến 9. Nếu mắc SXH khi còn quá nhỏ, nhất là lúc dưới 1 tuổi, bệnh sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi lẽ, cơ thể trẻ còn non yếu, dễ bị tổn hại nếu biến chứng xảy ra và quá trình xử lý biến chứng tại BV cũng khó khăn hơn nhiều so với bệnh nhi lớn tuổi hơn. Người lớn cũng có thể mắc SXH và xuất hiện biến chứng nên vẫn cần đề phòng muỗi đốt.
Lưu ý những triệu chứng nặng
Theo các chuyên gia, đa số trẻ mắc bệnh SXH có thể tự khỏi, chỉ cần được chăm sóc tốt, uống thuốc hạ sốt, lau mát, ăn mặc thông thoáng, nhiều khi không cần nhập viện. Tuy nhiên, một số trẻ mắc bệnh này có thể gặp biến chứng, nguy hiểm nhất là những cơn sốc. Nếu trẻ sốt 2 ngày trở lên thì cần đưa đến BS. Sốt cao mà uống thuốc không hạ, bỏ ăn, bỏ bú, đau bụng, bứt rứt, chảy máu mũi, chảy máu răng, đi tiêu phân đen… thì phải nhập viện ngay lập tức.
Trong khi đó, bệnh Zika thì thường “nhẹ nhàng” hơn, ít khi sốt, không cần nhập viện và không biến chứng nếu người bệnh không mang thai, vì vậy không nên quá lo lắng.
Bình luận (0)