Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, so với kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trước đây (kỹ thuật phun sương lạnh), kỹ thuật mới có ưu điểm là ngoài tác dụng kiểm soát được lượng hóa chất phun ra môi trường còn có thể diệt cả muỗi, côn trùng đang bay nhờ kích thước các hạt siêu nhỏ phát tán nhanh ra một khu vực rộng và tồn lưu trong không khí lâu hơn. Hiện trung tâm đang thử nghiệm ở các khu vực bên ngoài nhà dân, nơi có nhiều bụi rậm, tầng hầm các khu nhà cao tầng, trường đại học, công trình xây dựng… Đến nay, TP HCM đã ghi nhận 94 ca bệnh do virus Zika tại 19/24 quận, huyện, trong đó có 12 phụ nữ mang thai.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết dịch do virus Zika vẫn đang tiếp tục lây lan ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… Đây cũng là những địa phương có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết. Cũng theo ông Phu, trong thời gian tới, số ca mắc virus Zika ở khu vực này có thể sẽ còn gia tăng do muỗi truyền virus này đã lưu hành trong cộng đồng và miễn dịch của cộng đồng với virus Zika còn thấp. Trong khi đó, các tỉnh miền Bắc hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus này.
Bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn, loài muỗi này lại sống ở trong nhà, sinh sản trong các vật dụng chứa nước sạch, do đó Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và lăng quăng; phối hợp với ngành y tế địa phương trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Hơn 80% người nhiễm Zika không có biểu hiện bệnh, phần còn lại có dấu hiệu bệnh nhẹ. Tuy nhiên, khoảng 1%-10% phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu có thể sinh con dị tật đầu nhỏ nên thai phụ cần chủ động phòng bệnh và theo dõi thai kỳ tại các cơ sở y tế.
Bình luận (0)