Mới đây, các bác sĩ Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 12 tuổi là học sinh của một trường THCS ở TP Hà Nội đến khám trong tình trạng khó thở và co giật.
Hút thuốc lá điện tử nhưng lại ngộ độc ma túy
Bệnh nhân kể được các học sinh khóa trên rủ rê sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, em lên mạng tìm thông tin và đặt mua thuốc lá điện tử về hút, gia đình không biết. Sau khi hút, nam sinh xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, khó thở và co giật, phải nhập viện. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử nam sinh này sử dụng gửi đến Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm. Kết quả, trong thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng có thành phần của một số chất gây nghiện. Đây là nguyên nhân khiến nam sinh ngộ độc.
Trước đó, nhóm 7 nữ sinh lớp 11 của một trường THPT ở Quảng Ninh rủ nhau hút thuốc lá điện tử. Sau đó, cả 7 em đều có biểu hiện chóng mặt, nôn ngay trong lớp.
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) cũng vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Một trường hợp ngộ độc ma túy sau khi hút thuốc lá điện tử điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội)
Chị Trần Lan Anh có con học lớp 8 tại một trường THCS ở quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết đến trường đón con, chị thường xuyên thấy nhiều học sinh túm tụm cùng nhau hút thuốc lá điện tử. Khi trò chuyện cùng con, chị rất bất ngờ khi cháu kể hầu hết các bạn nam đều hút thuốc lá điện tử, thậm chí một số bạn nữ cũng "hút ké" vì sản phẩm này có mùi vị rất thơm ngon. "Cháu kể nhà trường và thầy cô thường xuyên nhắc nhở, thậm chí cảnh cáo trước lớp các bạn hút thuốc lá điện tử nhưng nhiều bạn vẫn lén lút chọn những sản phẩm không mùi hút trong lớp học để các thầy cô không phát hiện được" - chị Lan Anh cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử có chứa ma túy. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động dữ dội, suy đa tạng sau khi dùng thuốc lá điện tử. Các trường hợp này hầu hết đều là người trẻ, độ tuổi trên dưới 20.
Từ thực tế điều trị, bác sĩ Nguyên cho rằng các ca "ngất xỉu, vật vã, kích thích" sau khi hút thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc và nhiều cơ sở y tế trên cả nước thời gian qua phần lớn là do ngộ độc ma túy. Tuy nhiên, do các chất ma túy tổng hợp hiện nay được pha trộn, làm mới liên tục nên việc xét nghiệm để tìm ra chúng gặp không ít khó khăn.
Gây nghiện cao, độc hại
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỉ lệ nam giới trưởng thành đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6% và ở nữ giới trưởng thành là 1%. "Nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả hai giới. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá điện tử, ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên" - bà Trang thông tin.Còn theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam năm 2020, tỉ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi ở Hà Nội và TP HCM đang sử dụng thuốc lá điện tử khá cao, 7,3%.
Theo các chuyên gia, hiện nay thuốc lá điện tử được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội, người tiêu dùng có thể mua rất dễ dàng.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương, nhận định sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây, sô-cô-la...) cùng những lời quảng cáo không gây hại, sành điệu, hợp thời... đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập trường học. "Hầu hết thuốc lá điện tử hiện nay có chứa nicotine - chất gây nghiện cao, độc hại; gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Bên cạnh đó, nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ... Một số chất ma túy cũng có thể được cho vào thuốc lá điện tử để tăng cảm giác của người dùng có thể gây hậu quả khôn lường" - bác sĩ Vinh cảnh báo.
Với tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng, các bác sĩ cảnh báo nguy cơ sử dụng ma túy "núp bóng" trong các sản phẩm này. Do đó, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu ở trẻ như cử động chậm chạp, trạng thái lơ mơ... Đây là biểu hiện của nghiện thuốc lá điện tử, cần được can thiệp kịp thời.
Người hít thụ động cũng có khả năng bị ung thư
Các bác sĩ cảnh báo thuốc lá điện tử bên cạnh chất gây nghiện nicotine, còn chứa chất gây ung thư có trong thuốc lá thông thường. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp, đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật như ung thư phổi, ung thư thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, liệt dương...
Hơn nữa, nếu thuốc lá điện tử phối trộn thêm các loại chất lạ, chất kích thích, ma túy thì có thể để lại những hệ lụy đau lòng cho người sử dụng.
Bình luận (0)