Ca mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận cứu chữa là chị Đ.T.T (39 tuổi, ngụ An Giang). Chị T. mang u nang buồng trứng khổng lồ với trọng lượng 50 kg.
Suýt chết vì u lành
Cách đây 4 năm, chị T. phát hiện mình bị u nang buồng trứng. Chị đã đến điều trị ở một BV chuyên khoa tại TP HCM và được chỉ định phẫu thuật lấy khối u. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật đã bị hoãn lại vì chị bị trụy tim mạch, suy tuần hoàn khi bắt đầu được gây mê. Sau đó, dù nhiều lần cố gắng nhưng chị vẫn chưa được mổ do nguy cơ tai biến gây mê hồi sức cao. Chị đành chấp nhận sống chung với khối u ngày càng lớn nhanh trong ổ bụng. Có lúc chị tưởng mình sắp chết vì không thể đi hay nằm, ngồi, kể cả ăn cũng khó khăn. Rồi một ngày chị cảm thấy bụng đau quặn, khó thở nên được chuyển từ BV địa phương lên TP HCM điều trị. Tại BV Đại học Y Dược, các bác sĩ cũng đã hãi hùng khi thấy cái bụng to của bệnh nhân.
Với ca bệnh đặc biệt này, BV phải huy động nhiều liên chuyên khoa như phụ sản, tiêu hóa, nội tiết, lồng ngực mạch máu, tim mạch, hô hấp, gây mê hồi sức… để hội chẩn. Sau khi đánh giá toàn diện và cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sĩ phẫu thuật bóc tách khối u. Qua hơn 6 giờ, ca phẫu thuật đã thành công vượt sự mong đợi của ê-kíp. Khối u khổng lồ được hút ra gồm 48 lít dịch và 3 kg vỏ.
ThS-BS Lê Thị Kiều Dung, Trưởng Khoa Phụ sản BV Đại học Y Dược, cho biết vì đây là u dính nên cả ê-kíp phẫu thuật phải cẩn trọng bóc tách từng milimet khối u ra khỏi thành bụng. Trong quá trình phẫu thuật, nếu bác sĩ không cẩn thận và thiếu kinh nghiệm có thể dẫn đến việc người bệnh suy hô hấp, hoặc áp suất chèn ép giảm đột ngột có thể dẫn đến vỡ tim, phù phổi gây rối loạn huyết động học. Theo các bác sĩ, đây là khối u ổ bụng to nhất Việt Nam và một trong 5 khối u ổ bụng lớn nhất thế giới từng được ghi nhận đến thời điểm này.
TS-BS Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng Phòng Khoa học Đào tạo BV Đại học Y Dược, nhận định đây chỉ là một trường hợp u lành tính nhưng nếu bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời, khối u ngày càng to gây chèn ép tim, phổi và các cơ quan nội tạng khác; gây suy giảm chức năng tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ở trường hợp này, nguy cơ biến chứng cao, các bác sĩ quyết định mổ ngay chứ không để thêm một thời gian nữa.
Chị Đ.T.T với "trứng khủng long" trước phẫu thuật
Chủ quan, mang họa
Theo các bác sĩ, u nang buồng trứng là loại khối u thường gặp nhất, chiếm gần 4% các bệnh phụ khoa. Bệnh phát triển âm thầm lặng lẽ nhưng đến khi chuyển sang ác tính thì tiến triển rất nhanh.
Tại các BV sản khoa, số phụ nữ bị u nang đến điều trị ngày càng đông. Chỉ riêng BV Ung Bướu TP HCM trung bình mỗi năm đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp có u to bất thường, nặng từ 20-40 kg. Hầu hết đều là triệu chứng của u nang buồng trứng hoặc ung thư tử cung. Đa phần bệnh nhân chủ quan, để khối u phát triển quá to rồi mới đến BV, gây khó khăn cho bác sĩ điều trị.
Nhiều người trong số đó là những phụ nữ ở nông thôn, ít quan tâm đến sức khỏe. Như bà P.T.M (49 tuổi, quê Long An) vào BV Ung Bướu khi đã muộn. Bà M. phát hiện mình bị khối u buồng trứng cách đây 10 năm nhưng không đi điều trị mà tự uống thuốc nam. Đến khi bà khó thở, không ăn uống, đi lại được mới đến BV… cấp cứu. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra khối u nặng 38 kg. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà đã bị ung thư buồng trứng, cơ hội sống rất mong manh.
Các chuyên gia lưu ý u nang thực thể gặp ở tất cả phụ nữ, kể cả những bé gái chưa dậy thì cho đến phụ nữ sau khi mãn kinh. U nang buồng trứng đa phần là u lành tính nhưng vẫn có khả năng gây ác tính và có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
"Triệu chứng ban đầu của bệnh u nang buồng trứng thường là ăn uống không tiêu, đầy hơi, đau bụng, đi tiểu nhiều, không đi đại tiện được, chảy máu âm đạo. Nếu xuất hiện các dấu hiệu trên quá 2 tuần, người bệnh nên đến các BV có chuyên khoa về phụ khoa để được chẩn đoán và phát hiện sớm" - BS CK2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1 BV Ung Bướu, khuyến cáo.
Nên đi khám định kỳ
Theo giới chuyên môn, u nang nếu là dạng u cơ năng có thể sẽ tự mất đi nên cần theo dõi bằng siêu âm (3 tháng liền). Nếu u nang thực thể nhỏ sẽ được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi rất đơn giản. Nhưng nếu để khối u quá to sẽ gây khó khăn cho phẫu thuật, phải mổ hở gây mất nhiều máu và có nhiều nguy cơ tổn thương đến các cơ quan lân cận. Vì vậy, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ, khoảng 6 tháng đến 1 năm/lần để có thể phát hiện và điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.
Bình luận (0)