PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, lưu ý cần tìm hiểu rõ nguồn gốc thực phẩm sử dụng, biết mức độ nào là phù hợp với bản thân để biết cách điều tiết, cân bằng, bởi nếu dùng quá nhiều có thể ảnh hưởng sức khỏe.
Hỗ trợ một phần, không giúp giải độc hoàn toàn
Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, những thức uống mà mọi người vẫn xem như chất giải độc theo dân gian như: nước gạo lứt rang, nước đậu rang, trà hoa cúc, trà atisô…, thành phần hoạt chất bên trong đều có khả năng khử độc và ôxy hóa. Chẳng hạn, trong các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh… sẽ có một số chất giúp tăng cường sức khỏe và chất chống ôxy hóa.
Suy nghĩ uống gạo rang, nước đậu, trà… để giải độc thực ra chỉ để trấn an bản thân, còn vai trò thật sự của nó chỉ là hỗ trợ một phần chứ không giúp giải độc hoàn toàn. Bình thường gan vẫn đủ khả năng làm nhiệm vụ giải độc mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu gan đang có vấn đề hoặc tiếp xúc trực tiếp với một độc tố nào đó thì một số chất giải độc gan, thuốc hỗ trợ gan sẽ đóng vai trò nhất định giúp phục hồi tế bào gan, giảm mức độ tổn thương, hóa giải thành phần ôxy hóa hoặc cung cấp cơ chất đặc biệt giúp gan tăng cường hoạt động.
Một ca điều trị gan tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Việc nghĩ rằng đưa càng nhiều chất bổ vào cơ thể sẽ tốt, như kiểu "ăn gan bổ gan", là quan niệm sai lầm. Ăn gan, nội tạng động vật nhiều sẽ gây hại cho gan vì nó cũng chứa chất độc do gan khử độc, nếu ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng sức khỏe.
"Chúng ta cần hiểu rõ sức khỏe bản thân, có thể cho phép bản thân được thoải mái một chút trong khoảng thời gian nào đó (dịp Tết vừa qua chẳng hạn) nhưng tốt nhất là nên chừng mực" - PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo.
Uống dầu ăn chống say?
Cánh đàn ông thường truyền miệng nhau một số "bí quyết" như uống dầu ăn, uống aspirin hoặc paracetamol trước khi uống rượu, bia. Giới chuyên môn cảnh báo đây là quan niệm sai lầm. Gan được ví là "cỗ máy" thải độc, là "người hùng" thầm lặng của cơ thể, "bí quyết" nói trên vô tình đầu độc bộ phận này.
Theo TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), gan là cơ quan có thể hoạt động bù trừ, những hư hại của lá gan dưới 25% có thể tự hồi phục. Nếu hơn 50% thì khó hồi phục. Khi gan đã bị suy mạn hay ung thư thì tiên lượng thường rất xấu.
ThS-BS Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết rượu bia là yếu tố nguy hiểm nhất dễ gây tổn thương gan và thường dẫn đến viêm gan.
Với "bí kíp" truyền miệng uống không say nói trên là quan niệm không chính xác, không những không có tác dụng chống say rượu bia mà còn làm hại sức khỏe.
"Paracetamol là loại thuốc có độc tính trên gan, do đó nếu trước khi uống rượu bia mà uống thêm paracetamol thì sẽ làm gan dễ tổn thương và ngộ độc hơn. Aspirin dù không gây tổn thương trực tiếp đến gan nhưng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng loét dạ dày tá tràng, thậm chí gây xuất huyết dạ dày tá tràng. Việc uống dầu ăn cũng không có tác dụng làm tăng tửu lượng, ngược lại còn gây ra tình trạng khó tiêu và rối loạn tiêu hóa" - bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh giải thích.
Theo bác sĩ Minh, dầu ăn làm thức ăn di chuyển xuống ruột chậm lại và nằm ở dạ dày, dẫn đến ngộ nhận rằng người uống không say. Khi tất cả lượng thức ăn này đi xuống ruột thì một lượng lớn rượu bia sẽ được hấp thu, dẫn đến say rượu, thậm chí có thể gây ngộ độc rượu.
"Để bảo đảm sức khỏe, tốt nhất mỗi người nên dùng rượu bia ở mức cho phép. Một đơn vị cồn được tính tương đương 1 chai bia, 1 ly rượu vang hoặc 1 ly rượu mạnh nhỏ. Nam giới chỉ nên uống dưới 2 đơn vị, tương đương 2 chai bia hoặc 2 ly rượu vang mỗi ngày. Đối với nữ giới, chỉ nên uống 1 đơn vị mỗi ngày. Nếu 1 người uống hơn 14 đơn vị cồn trong 1 tuần thì được xem là uống nhiều" - bác sĩ Minh thông tin.
Bình luận (0)