- BS Lê Minh Tuấn, Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, trả lời: Ho ra máu là tình trạng khạc ra máu từ đường hô hấp dưới khi ho. Đây là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở các khoa cấp cứu cũng như khoa hô hấp. Điều quan trọng đầu tiên là xác định có đúng là bị ho ra máu hay ói ra máu do bệnh lý đường tiêu hóa hoặc chảy máu từ đường hô hấp trên.
Các nguyên nhân thường gặp có thể là: lao phổi, với triệu chứng ho khạc đàm trên 2 tuần, có thể kèm ho ra máu tươi hoặc đàm vướng máu, có thể từ ít đến nhiều, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm, đau ngực, tình trạng nặng thì sẽ gây khó thở. Giãn phế quản (do di chứng của lao phổi hoặc sau một nhiễm trùng mạn tính ở phổi như áp xe phổi), thường có triệu chứng ho ra máu lượng ít (3-5 ml, khoảng một muỗng cà phê) tự cầm trong vòng 3-5 ngày, tái đi tái lại nhiều lần hoặc ho ra máu lượng nhiều (>100 ml) có thể dẫn tới tử vong. Ung thư phổi, đây là bệnh lý ác tính, diễn tiến thường âm thầm, giai đoạn đầu ít có triệu chứng, hay xảy ra ở người hút thuốc lá nhiều; giai đoạn trễ sẽ có biểu hiện ho kéo dài, đau ngực, khó thở, sụt cân, ho ra máu. Sau cùng là các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi hoại tử, viêm phế quản cấp, áp xe phổi, u nấm phổi, nấm phổi; triệu chứng thường thấy là sốt, ho khạc đàm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (đau khi ho, khi hít sâu vào, khi thay đổi tư thế).
Tóm lại, ho ra máu là một cấp cứu nội khoa, do nhiều nguyên nhân, có thể nguy hiểm tới tính mạng nên cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cận lâm sàng giúp chẩn đoán tùy vào nguyên nhân, thường là: xét nghiệm máu, X-quang ngực, soi cấy đàm, chụp CT scan ngực, nội soi phế quản, siêu âm tim..
Bình luận (0)