Đột ngột lăn ra chết
PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM, cho biết những trường hợp trên, dân gian thường cho là “trúng gió”, nhưng sự thật nhiều khả năng do Hội chứng Brugada gây ra. Người bị bệnh này có thể tử vong vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đang làm việc, vui chơi, thậm chí đang ngồi ăn cơm, đều đột nhiên ngã lăn ra. Đáng lưu ý Hội chứng Brugada là bệnh lý còn khá mới mẻ. ThS-BS Nguyễn Thượng Nghĩa, Phó Khoa Tim mạch học can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh được báo cáo lần đầu trên thế giới vào năm 1991, chưa được người dân, thậm chí cả giới y học quan tâm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh được phát hiện ngày càng nhiều, trên những người không có bất thường về tim mạch, nên lôi cuốn sự chú ý của nhiều chuyên gia tim mạch. Tại một hội nghị tim mạch vào năm 2004 ở Thái Lan, bác sĩ G.Domingo (Philippines) thông báo về những trường hợp “đột tử chưa giải thích được” đang gia tăng ở châu Á, đặc biệt ở những nước Đông Nam Á. Giải thích điều này, giới chuyên môn cho rằng có thể liên quan đến một bất thường về gien nào đó chỉ có ở người dân vùng này.
Ở Thái Lan, 58% bệnh nhân đột tử chưa giải thích được có triệu chứng giống với Hội chứng Brugada. Tại nước ta, một khảo sát từ năm 1990-1993 ở Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho thấy trong số 33 trường hợp đột tử có 21 ca không có dấu hiệu về bệnh tim mạch trước đó. Còn ở Huế, qua quá trình khám bệnh và đo điện tim, PGS-TS Huỳnh Văn Minh, Trường Đại học Y Khoa Huế, ghi nhận 14 ca có biểu hiện của Hội chứng Brugada, tuổi bình quân là 49,3. Những người này khi đến khám có triệu chứng mệt, khó thở, hồi hộp, tức ngực, ngất.
Liên quan đến yếu tố di truyền
PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, Hội chứng Brugada biểu hiện bởi những cơn rung thất trên tim. Nguyên nhân gây bệnh này đến nay chưa rõ, nhưng bệnh xảy ra chủ yếu trên nam giới và có yếu tố gia đình, di truyền. Cách đây không lâu, PGS Vinh gặp một gia đình ở Kiên Giang có đến 3 anh em bị Hội chứng Brugada, trong đó 1 người đột tử trong khi đang ngồi ăn cơm. Cũng có trường hợp bệnh nhân ở TPHCM, đang làm việc thì ngưng tim, may mắn được chuyển đến Viện Tim kịp thời nên được cứu sống. Tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, vài năm gần đây các bác sĩ cũng gặp không ít ca Hội chứng Brugada. Có người được đánh sốc điện hàng chục lần để phá rung tim mới được cứu sống, nhưng phần lớn đều tử vong trước khi vào viện, nên khả năng cứu sống rất thấp.
Theo BS Nguyễn Thượng Nghĩa, Hội chứng Brugada chỉ có một cách điều trị hiệu quả là mang máy phá rung. Ở TPHCM, một số nơi có thể làm được kỹ thuật này là Viện Tim, BV Thống Nhất, BV Chợ Rẫy... Chi phí cho một lần cấy máy từ 8.000 – 12.000 USD, nếu đi nước ngoài thì có thể lên đến 20.000-30.000 USD. TS-BS Tôn Thất Minh, chuyên gia về lĩnh vực tạo nhịp tim của BV Thống Nhất, đánh giá đột tử do Hội chứng Brugada có thể chiếm đến 50% những trường hợp đột tử ở người trẻ không có bệnh tim thực thể.
Đo điện tim, biện pháp đơn giản để phát hiện Brugada PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh cho biết do Hội chứng Brugada liên quan đến yếu tố gia đình, nên nếu trong nhà có người thân bị đột tử thì những người còn lại nên đi đo điện tim. Nếu phát hiện bị bệnh, cần nhanh chóng cấy máy phá rung tim. Tỉ lệ tử vong trên người mang máy được theo dõi sau 10 năm là 0%, trong khi nếu không mang máy, chỉ cần một lần tim lên cơn rung thất, bệnh nhân có đến 99,99% nguy cơ tử vong. |
Bình luận (0)