xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồi sinh giữa “mùa diệt vong”

IRIS Lê

Năm 2020 đã bắt đầu bằng mẩu tin tức không đẹp như con số tròn trịa khởi đầu cho một thập niên. Ca bệnh đầu tiên do chủng virus mới đã xuất hiện tại Trung Quốc.

Là nhân viên y tế, bản thân tôi lúc đó cũng không ngờ rằng chủng siêu vi ấy sẽ đại náo địa cầu và làm rúng động cuộc sống của hàng tỉ người.

Sau khi sắc lệnh "bế quan tỏa cảng" toàn quốc được thi hành, mỗi bang ở Úc bắt đầu thực thi chế độ "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và đóng cửa hàng loạt dịch vụ. Thành phố Adelaide nơi tôi sinh sống dường như trở thành thành phố chết. Những trung tâm thương mại làm nên tên tuổi của Adelaide bình thường đông đặc người mua sắm bây giờ trống hoác, chỉ còn trơ những mảng đá hoa cương lạnh tanh thoang thoảng mùi thuốc tẩy. Những nhà ga và sân bay dường như cũng muốn được một lần nghỉ ngơi, thưa thớt bóng người. Lệnh cách ly xuyên bang đã khiến cả những thành phố lớn chưa bao giờ ngủ, giờ như có phép mầu của 3 bà tiên trong truyện cổ tích "Công chúa ngủ trong rừng" cùng chìm vào  giấc ngủ sâu, chờ một loại vắc-xin đặc hiệu hoặc thuốc tiêu diệt Covid-19 đến giải cứu.

Số ca dương tính tăng cao hồi cuối tháng 3 (cao nhất 458 ca/ngày), rồi cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 (cao nhất hơn 700 ca/ngày), nhưng đến nay tình hình tạm ổn. Người gốc Việt hay người Úc bản xứ ở các bang đều áp dụng một số quy tắc chung do Chính phủ Úc ban hành. Từ ngày dịch Covid-19 xảy ra, tôi không dám gặp bà ngoại và gia đình vì muốn bảo vệ họ an toàn. Ngoài ra ai cũng hạn chế đi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn…

***

Không biết tự khi nào bộ đồng phục y tế, đáng ra là niềm tự hào lại là thứ khiến chúng tôi cảm thấy lo sợ và tìm cách giấu đi. Họ xua đuổi, nhục mạ, tấn công nhân viên y tế nơi công cộng.

Tôi còn nhớ cảm giác 2 má mình nóng ran khi người đàn ông trên xe buýt bắt đầu to tiếng sỉ nhục sau khi tôi trình thẻ nhân viên y tế cho tài xế. Mọi âm thanh như ù đi, chỉ còn nghe tiếng mạch đập như thác chảy bên tai. Môi tôi cắn chặt, cố gắng nhẫn nhịn, lờ đi những câu nói khiếm nhã đến đau lòng. Truyền thông và báo đài Úc đã ghi nhận có một vài y tá bị người đi đường hành hung hoặc phỉ nhổ. Bộ Y tế của New South Wales thông báo sẽ phạt 5.000 đô-la cho bất kỳ ai nhổ nước bọt hay cố tình ho vào người các nhân viên y tế.

Hồi sinh giữa “mùa diệt vong” - Ảnh 1.

Iris Lê (Lê Nguyễn Quỳnh Phương), là y tá Bệnh viện Royal Adelaide - Úc, tác giả cuốn sách “Có một nỗi buồn gieo mầm nhân ái” . (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Có một giai đoạn cán bộ y tế không còn đủ mặt nạ chuẩn để dùng. Mặt nạ N95 là loại khẩu trang đặc biệt lọc được 95%, 99% bụi mịn 0,3 micron trong không khí, tốt hơn khẩu trang y tế gấp nhiều lần. Nhưng khi mà cả khẩu trang y tế cũng là một món hàng xa xỉ thì chẳng ai còn mơ đến N95. Tình trạng sử dụng khẩu trang y tế thay cho khẩu trang N95 chỉ kéo dài hơn 1 tuần và làm gióng lên làn sóng phản đối kịch liệt từ đội ngũ y - bác sĩ (BS).

Sau đó, N95 đường hoàng trở lại trên kệ nhưng lần này lại có một quy định oái ăm mới. Mỗi y tá phải dùng một chiếc khẩu trang trong suốt ca trực để tiết kiệm và bảo tồn số khẩu trang y tế còn lại. Những ca làm được kéo dài từ 8 giờ thành 12 giờ để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Ai cũng phải nhịn tiêu, nhịn tiểu và bí bách lắm mới được đi vệ sinh nhưng khẩu trang thì vẫn phải giữ nguyên trên mặt.

Tôi nhìn thấy những đồng nghiệp đã và đang chiến đấu với dịch Covid-19. Những y - BS chấp nhận rời xa con cái, bố mẹ mình để cứu lấy con cái, bố mẹ của những gia đình khác. Họ là những chiến sĩ ra trận cùng với chiếc mặt nạ dã chiến do thiếu thiết bị bảo hộ, canh cánh nỗi lo thiếu lương thực do siêu thị trống trơn và "áo giáp" của họ là những chai nước rửa tay dần khan hiếm. Họ buộc phải tự rời xa gia đình vì nỗi sợ sẽ đưa người thân vào nguy hiểm. Họ nhìn thấy đồng đội và bệnh nhân của mình ngã xuống mà lực bất tòng tâm. Họ là những người đầu tiên ra trận cũng là những người cuối cùng trở về với gia đình.

***

Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên toàn cầu. Bệnh dịch cũng làm trầm trọng hơn những vấn đề nội tại cố hữu trong hệ thống kinh tế của các quốc gia và làm lộ ra những dấu hiệu nguy hiểm về tình trạng kiệt quệ nguồn nhân lực y tế. Vào thời điểm đen tối của đại dịch, các y tá - BS phải chịu đựng nỗi đau từ những vết cắt vào da mặt do đeo mặt nạ quá lâu, cho đến những vấn đề khác như da tay bỏng rát do rửa tay bằng cồn quá nhiều. Trong cái khó ló cái khôn, các y tá truyền cho nhau những mẹo nhỏ như dán băng keo ở hai gò má và sống mũi, những điểm chịu lực trên gương mặt để giảm sự ma sát của khẩu trang và kính bảo hộ. Sau Covid-19, y - BS như những cành cây khô vươn mình chống bão. Nhiều y - BS không chịu nổi gánh nặng trách nhiệm đang đè nặng trên vai, thường xuyên căng thẳng, đau buồn và tồi tệ nhất là cảm giác nhìn bệnh nhân nhắm mắt xuôi tay mà lực bất tòng tâm.

Hồi sinh giữa “mùa diệt vong” - Ảnh 2.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Melbourne, bang Victoria, úc, ngày 19-10-2020. Ảnh: TTXVN

Đầu tháng 12-2020, chúng ta lại chứng kiến 2 tấn bi kịch bắt nguồn từ Covid-19. Vlogger người Đức gốc Việt Britannya Karma qua đời vì Covid-19 ở tuổi 29. Sự ra đi của cô gái trẻ đã khiến cộng đồng mạng đau xót, tiếc thương, trong đó có tôi - một người từ lâu hâm mộ và yêu Karma bởi sự hài hước và nét tinh nghịch, hồn nhiên của cô ấy. Nỗi buồn này chưa qua thì nỗi buồn khác ập đến. Người hâm mộ bàng hoàng nhận hung tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời vì đột quỵ. Bi kịch hơn, cách đó không lâu, ca sĩ Phương Loan, vợ của cố nghệ sĩ, đã nhắn đến chồng trong một video: "Ông xã đi 5 tháng rồi, lúc trước đi 1 tháng là nhiều nhất, có tháng về 2 lần. Bây giờ vì Covid-19 nên ông xã đi lâu như vậy". Có ai ngờ rằng cuộc chia ly tưởng như tạm thời ấy lại kéo dài đến tận ngàn thu, lời tạm biệt hóa ra lại là câu vĩnh biệt.

Năm 2020 quả là một năm đáng buồn. Nhưng ở một khía cạnh khác, những nỗi buồn có khi lại gieo mầm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nỗi buồn cho thấy người ta còn biết yêu thương và còn lưu giữ lòng trắc ẩn. Chúng ta có thể khóc vì sự ra đi của một nghệ sĩ chưa từng gặp mặt. Chúng ta có thể rưng rưng nhỏ lệ xót xa cho cuộc đời ngắn ngủi của một cô gái trẻ mà ta chỉ biết qua những video. Đó chính là hiện thân của tình người.

Bản chất của cuộc sống vốn dĩ là vô thường. Không phải ngẫu nhiên mà từ "Hiện tại" (the present) trong tiếng Anh đồng nghĩa với "Món quà". Mỗi chúng ta đều đang hưởng một đặc ân, đó chính là tồn tại. Với sự tồn tại đó, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống này. Bởi cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục, mặt trời vẫn mọc, trái đất vẫn quay. Chỉ khi nào chúng ta mất hết hy vọng, khi đó mới chính là mất tất cả.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo