Bác sĩ Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, cho biết mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" được thiết lập khoảng 1 tuần qua, với sự tham gia của hơn 2.000 bác sĩ và tình nguyện viên từ các miền đất nước hỗ trợ bệnh nhân ở TP HCM. Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 thành lập.
Mục tiêu của mạng lưới là huy động nguồn lực xã hội để tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ y tế bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM và các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16.
Bác sĩ của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân Covid-19
Hiện mạng lưới đã chia thành 22 nhóm theo các quận huyện của TP HCM. Sau 3 ngày chính thức hoạt động, mạng lưới đã gọi điện thoại cho trên 49.000 F0 (cả F0 đang cách ly điều trị tập trung và F0 đang ở nhà), sàng lọc ghi nhận 500 bệnh nhân đã có triệu chứng và đang ở nhà, trong đó có 300 bệnh nhân chuyển nặng. Nhóm đã báo y tế địa phương cấp cứu và chuyển bệnh nhân tới bệnh viện.
Theo bác sĩ Thành, Covid-19 là một bệnh cảnh âm thầm, gần như 80% không có triệu chứng, nhưng khi trở nặng lại rất nhanh và đột ngột. Vì vậy, khi trao đổi với bệnh nhân để đánh giá nguy cơ và phát hiện trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ khởi động quy trình tương ứng là phối hợp với y tế địa phương, ưu tiên ca nặng liên lạc với cấp cứu trước.
Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn, thành viên mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", cho biết mục tiêu của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" là tìm bệnh nhân nặng, phối hợp điều phối đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để ca bệnh F0 tử vong tại cộng đồng.
"Đây là nhóm bệnh nhân dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào thì cần được đưa đi bệnh viện điều trị. Những người này cũng chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào, ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà, chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn..."- bác sĩ Thành nói.
Bác sĩ của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân Covid-19
Cũng theo một số bác sĩ của mạng lưới, trong quá trình trao đổi với bệnh nhân, họ nhận thấy sau khi có kết quả test dương tính, bệnh nhân hoang mang, gọi liên tục 115 dẫn đến quá tải ảo, có bệnh nhân khóc trong quá trình tư vấn, có ca bệnh mà nhóm chỉ gọi được cho người con trai nhưng con trai của bệnh nhân cũng khóc. Nhiều ca bệnh nhân hoảng loạn do triệu chứng nặng cần cấp cứu, hoặc có người không có triệu chứng nào nhưng họ vẫn có triệu chứng hoảng loạn...
Hiện mạng lưới có 2.071 bác sĩ và nhân viên y tế trên mọi miền Tổ quốc tham gia chăm sóc, tư vấn cho 49.681 bệnh nhân. Mỗi ngày, gần 20.000 cuộc gọi được các bác sĩ, tình nguyện viên y tế của mạng lưới thực hiện để sàng lọc F0, các ca chuyển biến nặng hay hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch bệnh Covid-19.
"Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" không chỉ là một một tổng đài để nghe máy. Chúng tôi tiếp cận bằng cách tiếp nhận thông tin từ y tế địa phương. Sau đó, các y bác sĩ, cộng tác viên sẽ chủ động gọi điện cho bệnh nhân để sàng lọc"- bác sĩ Thành nói.
Bình luận (0)