Bạn đọc Huỳnh Thanh Tuấn (TP HCM) hỏi: Học sinh đã bước vào mùa nghỉ hè, những ngày gần đây nhiều trường hợp trẻ bị phỏng nặng phải nhập viện cấp cứu khi gặp sự cố ở nhà. Như bé trai 8 tuổi bị phỏng nặng do cầm chai cồn chạy qua khu bếp đang nấu thức ăn. Hậu quả là lửa bén vào quần áo, em bị cháy trong khoảng một phút trước khi được gia đình dội nước. Tôi cũng có con nhỏ nên rất lo lắng về an toàn của con mình. Vậy xin cho hỏi trong trường hợp bé bị bỏng tại nhà thì nên sơ cứu ra sao?
Chuyên gia sơ cấp cứu Tony Coffey trả lời: Các vết phỏng thường do cơ thể tiếp xúc với các nguồn nhiệt như: lửa, chất lỏng nóng, tia phóng xạ, hóa chất... Khi đó, nhiệt sẽ phá hủy các tế bào da và các mô khác gây tổn thương. Thông thường, nhiệt nóng xâm nhập cơ thể sẽ gây phỏng, nhưng đôi khi các vết phỏng cũng do nhiệt cực lạnh gây ra.
Trong sinh hoạt hằng ngày, phụ huynh cần chú ý đến những vật dụng, thiết bị có khả năng gây phỏng cho trẻ. Nếu không may trẻ bị phỏng, phụ huynh cần làm mát vùng da với nước sạch trung bình 15-20 phút, tốt nhất dùng nước vòi, mở nhẹ xối lên da. Tiếp đó, nếu trang sức hay quần áo không bị dính chặt vào vết phỏng, phụ huynh cần nhanh chóng gỡ chúng ra khỏi vùng da bị phỏng trước khi nó sưng tấy. Nếu bị phỏng hóa chất, trẻ cần được rửa sạch vùng bị dính hóa chất bằng nước sạch.
Một bệnh nhi bị phỏng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM
Sau đó, phụ huynh cần quan sát vết phỏng, nếu nó bị cháy mất da, sau khi sơ cứu với nước, cần đưa bé đến bệnh viện. Nên che chắn vết phỏng với ni-lông để hạn chế nhiễm trùng. Nếu vết phỏng nhẹ, phụ huynh sơ cứu bằng nước xong có thể để bé ở nhà và tự phục hồi, chú ý theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng.
Lưu ý, chỉ tháo gỡ quần áo, trang sức... nếu chúng chưa dính chặt vào chỗ da bị phỏng. Không bao phủ vết phỏng với các loại kem, lòng trắng trứng gà... trước khi làn da nơi đó trở lại nhiệt độ bình thường. Không sử dụng đá hoặc nước rất lạnh chườm trực tiếp lên vết phỏng. Không chọc thủng, làm xì các vết rộp phỏng. Không dùng vải, vải ướt để che phủ vết phỏng mất da vì chất liệu này sẽ hít chặt vào vết thương. Chất liệu duy nhất không dính vào vùng mất da do bị phỏng là ni-lông.
Đặc biệt, các vết bỏng trên mặt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thở của nạn nhân, vì vậy sau khi sơ cứu, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện.
Bình luận (0)