Trước đó, sau khi đau bụng dữ dội trong 3 ngày, bệnh nhân Minh được một bệnh viện tại Vĩnh Long chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào chiều 20-2, trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc được chẩn đoán là viêm phúc mạc toàn thể /thoát vị thành bụng /rung nhĩ - cuồng nhĩ/thiếu máu cục bộ cơ tim suy tim độ III /viêm phổi/suy thận. Tình trạng lúc nhập viện là đau khắp bụng, ống thông dạ dày ra dịch đầy phân, bụng chướng căng, khối thoát vị vùng thượng vị kích thước 15x20 cm, suy thận, rối loạn đông máu… Bệnh nhân bị chẩn đoán nguy cơ tử vong trong và sau phẫu thuật là rất cao.
Ê-kíp mổ đã sáng tạo dùng túi câu dạ dày để che lại các tạng và ruột non cho bệnh nhân
Tuy nhiên, ê-kíp các bác sĩ của bệnh viện được huy động đến từ các khoa gồm: ngoại tổng quát, trực cấp cứu tổng hợp phối hợp với bác sĩ gây mê đã hồi sức tích cực, truyền huyết tương tươi đông lạnh nhanh chóng chỉ định mổ cấp cứu để tranh thủ thời điểm vàng bệnh nhân còn cứu được.
Sau 6 giờ chuẩn bị, bệnh nhân được phẫu thuật với chẩn đoán sau mổ là viêm phúc mạc toàn thể do hoại tử đại tràng sigma/thoát vị thành bụng/rối loạn đông máu/rung nhĩ - cuồng nhĩ…
Bệnh nhân được cắt đoạn đại tràng sigma hoại tử, đóng đầu dưới đưa đầu trên ra làm hậu môn nhân tạo. Vấn đề được đặt ra là bệnh nhân có khối thoát vị to 15x20 cm và mất nhiều cân cơ, không thể tái tạo lại cấu trúc thành bụng, bụng bệnh nhân chướng căng các quai ruột non viêm phù nề không đóng bụng được. Trước tình hình này, ê-kíp mổ đã sáng tạo dùng túi câu dạ dày để che lại các tạng và ruột non.
Bệnh nhân Minh xuất viện trong niềm vui của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ
Theo BS. Trương Thanh Sơn, trưởng ê-kíp phẫu thuật, cho biết bệnh nhân này bụng chướng rất căng, nếu đóng bụng đơn thuần sẽ gây hội chứng tăng áp lực ổ bụng, chèn ép cơ hoành buộc phải thở máy kéo dài dễ gây viêm phổi và có thể tử vong. Thêm vào đó, bệnh nhân bị thoát vị thành bụng, ổ bụng nhiễm không thể đặt lưới để phục hồi lại thành bụng. Ê-kíp đã cân nhắc rất kỹ và chọn giải pháp tạm thời với mục tiêu là cứu sống bệnh nhân trước. Hậu phẫu ngày thứ 5, bệnh nhân dần phục hồi, tỉnh lại, ngưng thở máy, ruột có nhu động lại, ổ bụng sạch, bụng bớt chướng. Ê-kíp tiếp tục hội chẩn để phẫu thuật lần 2, loại bỏ túi câu, phục hồi thành bụng.
Hiện, bệnh nhân ăn uống được, đi đứng bình thường nên vừa được xuất viện với tinh thần vui vẻ.
BS. Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho rằng: "Sự thành công cho thấy sự phát triển chuyên môn đồng bộ giữa các khoa, các ê-kíp trực, gây mê, hồi sức phải phối hợp nhịp nhàng, lấy bệnh nhân làm trung tâm và ưu tiên cứu sống người bệnh trước, sự phục hồi của bệnh nhân là động lực cho tất cả chúng tôi".
Bình luận (0)