Nửa đời run rẩy
Hai bệnh nhân là ông Cao Tấn Lộc (66 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) và Hoàng Quốc Tam (44 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình). Ông Lộc bị bệnh run vô căn từ 15 năm qua với các triệu chứng tay run lẩy bẩy, gặp vô số bất tiện trong cuộc sống, mất kiểm soát cầm nắm, ăn uống phải có người đút. Nguyên là một giám đốc doanh nghiệp nhưng do mắc bệnh run đến nỗi không thể ký giấy tờ được nên ông phải nghỉ việc và đi điều trị nhiều nơi nhưng đều thất bại. Còn ông Tam bị căn bệnh khốn khổ này hành hạ từ lúc mới lớn. Năm 17 tuổi đang học lớp 11 bỗng dưng cổ anh Tam bị vẹo, sau đó lưng tiếp tục vẹo và đầu bị giật liên tục. Từ đó, chứng cơ cứng, teo cơ toàn thân hành hạ anh suốt 27 năm qua dù đã điều trị nhiều nơi nhưng không hết bệnh.
Cả 2 bệnh nhân trên được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của GS Jean Paul Nguyễn (chuyên gia phẫu thuật của Pháp), phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu. Hiện sức khỏe cả 2 tiến triển tốt, cơ mềm, không còn trương cứng, cải thiện chức năng vận động, gần như tìm lại chính mình sau hơn nửa đời run rẩy.
ThS-BS Phạm Anh Tuấn, Phó Khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, cho biết đến nay đã có hàng chục bệnh nhân được giải thoát nỗi khổ của căn bệnh về thần kinh như Parkinson, run vô căn, loạn trương lực cơ. Kỹ thuật kích thích não sâu ngoài ứng dụng phổ biến để điều trị bệnh Parkinson còn mở ra triển vọng mới điều trị nhiều bệnh lý rối loạn vận động khác tại Việt Nam hiện nay như động kinh kháng trị, một số bệnh rối loạn tâm thần…
Bệnh nhân đang trẻ hóa
Theo các bác sĩ chuyên khoa, những người mắc căn bệnh khốn khổ nói trên, đặc biệt là bệnh Parkinson, là do thoái hóa tế bào thần kinh làm ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể. Bệnh Parkinson tương đối phổ biến với tỉ lệ mắc là 90-100/100.000 dân số. Thông thường, bệnh Parkinson tấn công ở người lứa tuổi từ 50 trở lên nhưng hiện căn bệnh này đang xảy ra ở người trẻ. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Công, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), ghi nhận vài năm trở lại đây cho thấy nhiều người mắc bệnh Parkinson ở tuổi khoảng 30-40, trong đó có tới 10% khởi phát bệnh trước 45 tuổi.
PGS-TS Nguyễn Thy Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh TP HCM kiêm Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh Parkinson là một tập hợp các biểu hiện như run, giật bất thường, mất kiểm soát, khó khăn trong vận động, sinh hoạt. Từ trước đến nay, bệnh nhân mắc bệnh vừa run vừa cứng thường dùng thuốc để bổ sung chất dẫn truyền thần kinh và chỉ có hiệu quả trong những năm đầu của bệnh. Sau 7-8 năm điều trị thì thuốc không còn tác dụng và ngày càng gây cho người bệnh các biến chứng như xáo trộn vận động hay loạn động, bệnh nhân có những cử động bất thường còn nặng hơn hay có những lúc bị cứng đờ không cử động được.
Còn vướng thủ tục Theo PGS-TS Võ Văn Nho, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, với việc triển khai phẫu thuật trị bệnh Parkinson đã mở ra cơ hội cho người bệnh và triển vọng mới cho y học Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thần kinh. Bệnh này trước đây phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao. Tuy nhiên, do Bộ Y tế chưa xếp loại bệnh này vào danh mục điều trị ở BV Nguyễn Tri Phương nên vẫn còn vướng thủ tục. “Chúng tôi đã có đầy đủ con người, trang thiết bị, trình độ chuyên môn, xử trí ca bệnh..., sao lại để người bệnh mỏi mòn trông chờ?” - một bác sĩ ở BV Nguyễn Tri Phương thắc mắc. |
Bình luận (0)