Bồi thẩm đoàn của tòa án California đã trao cho bà Eva Echeverria, 63 tuổi, ngụ tại Los Angeles 70 triệu USD tiền bồi hoàn thiệt hại và 347 triệu USD tiền phạt mà J&J phải trả.
Phấn rôm em bé là một sản phẩm rất nổi tiếng của J&J, giúp làm da trẻ khô ráo và tránh các bệnh về da. Một số phụ nữ cũng sử dụng nó như một sản phẩm vệ sinh cơ thể, bao gồm bà Eva. Bà cho biết đã sử dụng nó từ năm 11 tuổi và chỉ ngừng lại vào năm 2016 sau khi đọc một bài báo cho rằng một phụ nữ khác đã sử dụng nó và bị ung thư buồng trứng. Bà Eva cũng được chẩn đoán ung thư buồng trứng 10 năm trước.
Bột talc trong phấn rôm có gây ung thư hay không vẫn đang được tranh cãi - ảnh: BBC
Bà là một trong hàng trăm trường hợp khác được tòa án California bệnh vực. Hiện tại Mỹ có hàng ngàn vụ kiện tương tự tại các tòa án tiểu bang và liên bang. Trong khi đó, Carol Goodrich, người phát ngôn của J&J tuyên bố họ sẽ kháng cáo phán quyết này ngay lập tức.
Việc bột talc trong phấn rôm có thực sự gây ung thư hay không vẫn đang được tranh cãi. Theo lý thuyết, talc là khoáng chất ở dạng tự nhiên có chứa chất mang tên asbestos và không gây ung thư. Tuy nhiên, dạng talc không chứa asbestos đã được sử dụng trong phấn rôm và nhiều dạng mỹ phẩm từ năm 1970. Các nghiên cứu về loại talc không asbestos này cho những kết quả hết sức mâu thuẫn.
Nó được cho là có liên hệ với nguy cơ ung thư ở một số nghiên cứu, tuy nhiên không có một cơ chế rõ ràng như các chất gây ung thư đã biết khác, ví dụ các hóa chất trong thuốc lá.
Theo nhận định của Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư, một thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng phấn rôm chứa bột talc trên một số bộ phận cơ thể "có thể gây ung thư cho người". Trong khi đó, Hiệp hội Ung thư Mỹ với chương trình Độc tố quốc gia thì cho rằng sau các nghiên cứu, họ vẫn chưa thể nói rằng liệu sản phẩm có làm tăng nguy cơ ung thư hay không. Một kết luận của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ vừa qua thì cho rằng các bằng chứng hiện có chưa đủ trọng lượng để khẳng định mối liên quan giữa talc và ung thư buồng trứng. Về phía J&J, người phát ngôn cho biết họ sẽ tiếp tục tiến hành các thử nghiệm bổ sung để bảo vệ sự an toàn của sản phấm phấn rôm em bé Johnson's Baby Powder.
Trước đó, vào tháng 5 năm 2017, J&J cũng phải trả 110 triệu USD cho bà Lois Slemp, 62 tuổi, đến từ Virginia, Missouri, một bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng từ năm 2012, có 4 thập kỷ liên tục sử dụng sản phẩm phấn rôm em bé. Các công tố viên lập luận rằng công ty đã không cảnh báo đầy đủ về nguy cơ ung thư liên quan đến mặt hàng này. Trước đó nữa, vào tháng 5-2016, bà Gloria Ristesund, 62 tuổi cũng thắng kiện 55 triệu USD vì lý do tương tự; và vào tháng 2-2016, 72 triệu USD cũng được bồi thường cho gia đình bà Jackie Fox, người đã qua đời sau 3 năm chống chọi với ung thư buồng trứng và đã sử dụng phấn rôm đến 35 năm. Hai vụ này cũng thuộc bang Missouri.
Bình luận (0)