xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khẩn cấp phòng chống cúm gia cầm

NGỌC DUNG - LÊ TRƯỜNG - NGUYỄN THẠNH

Cúm A/H5N1 đã trở lại làm chết 1 bệnh nhi và lây nhiễm trên đàn chim yến nuôi ở Ninh Thuận. Trong khi đó, công tác phòng chống cúm A/H7N9 đang được triển khai khẩn trương

Trong khi các cơ quan chức năng đang ra sức phòng dịch cúm A/H7N9 thì cúm A/H5N1 trỗi dậy. Tại nước ta, trong năm 2012 có 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Tình hình phòng chống dịch cúm đang rất cấp bách.
 

img

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 9-4
sau khi kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H7N9 tại nơi đây
Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Giám sát cúm A/H5N1

Ngày 9-4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã xác nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2013 vì cúm A/H5N1 là một bé trai 4 tuổi (ngụ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Khoảng đầu tháng 4, người thân của bệnh nhi mua một con gà làm thịt. Tại thời điểm đó, bé trai này đang có triệu chứng sổ mũi ngồi xem, sau đó bé bị sốt cao nên được đưa đến trạm y tế xã. Chẩn đoán ban đầu, bệnh nhi bị suy hô hấp, trạm y tế đã đề nghị chuyển lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, phải mất thêm 2 ngày sau khi gia đình đưa cháu đến khám tại phòng khám tư, bác sĩ mới yêu cầu chuyển bệnh nhi đến bệnh viện huyện. Khi được chuyển tiếp lên tỉnh điều trị thì quá muộn, cháu bé tử vong.

Trong tình hình  cúm A/H5N1 đang quay trở lại, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu tỉnh Đồng Tháp tăng cường giám sát, không để bệnh lây lan.

Chim yến nhiễm cúm A/H5N1

Trong khi đó tại Ninh Thuận, tuần qua, chim yến nuôi chết hàng loạt. Chiều 9-4, theo chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm và các ngành chức năng đã có cuộc họp khẩn cấp với 54 hộ nuôi chim yến trên địa bàn TP để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh ở đàn chim.

Trước đó, ông Võ Thái Lâm, một thành viên trong HĐQT Công ty CP Yến Việt ở TP Phan Rang - Tháp Chàm có đơn gửi các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, cho biết công ty này có cơ sở nuôi yến rất lớn ở địa chỉ 594  Thống Nhất, TP Phan Rang - Tháp Chàm (hơn 100.000 con). Từ ngày 24-3, có khoảng 6.000 con chim yến chết. Ông Lâm đã báo với lãnh đạo công ty nhưng vì lợi ích cục bộ, công ty đã không có biện pháp phòng bệnh.

Ngày 1-4, ông Lâm đích thân lấy mẫu chim yến chết và nhờ ông Lâm Trọng Nhân (phường Phước Mỹ, TP Phan Rang - Tháp Chàm) đưa đi xét nghiệm ở Cơ quan Thú y Vùng 6 (TPHCM). Ngày 2-4, cơ quan này thông báo kết quả tất cả các mẫu chim yến chết đều nhiễm cúm A/H5N1. Thông báo này cũng được gửi đến Chi cục Thú y Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết quan điểm của tỉnh là không che giấu thông tin dịch bệnh, xác nhận thông tin chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 và sẵn sàng công bố tình trạng dịch bệnh theo đúng quy trình.

Tình hình như vậy là rất khẩn cấp và nguy hiểm vì theo khảo sát của Chi cục Thú y Ninh Thuận, 54 cơ sở nuôi chim yến trên đều nằm trong khu dân cư đông đúc với diện tích nuôi khoảng 50-300 m2/hộ, do vậy rất khó kiểm soát nếu xảy ra dịch bệnh. Hai sở NN-PTNT và Y tế cùng phối hợp với UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã triển khai khẩn cấp các biện pháp tiêu độc, khử trùng ở tất cả các cơ sở nuôi chim yến. Hôm nay (10-4), Bộ NN-PTNT sẽ cử đoàn công tác đến Ninh Thuận để giám sát và kiểm soát dịch bệnh. Cũng trong ngày hôm nay, tỉnh Ninh Thuận sẽ lập 2 đường dây nóng để kiểm soát dịch bệnh theo các số điện thoại: 068.800115 và 068.3824754.

Điều đáng lo là kiến thức về vệ sinh dịch tễ của các chủ cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Thuận rất hạn chế. Ngay tại cuộc họp trên, nhiều người thản nhiên cho rằng loài chim này không thể mắc bệnh cúm gia cầm vì “chúng không có chân, không đậu được nên chỉ bay đi kiếm ăn ngoài trời suốt ngày, đến tối mới về nhà...”.

Nỗi lo cúm A/H7N9

Trong khi đó, cúm A/H7N9 vẫn là nỗi lo rất lớn dù chưa thâm nhập vào nước ta. Sáng 9-4, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài. Hiện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu này đã đưa vào hoạt động 2 máy đo thân nhiệt cảm ứng, bảo đảm 100% hành khách được kiểm tra thân nhiệt và một khu vực cách ly tại chỗ đã hình thành.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã thành lập 5 đội cơ động phòng chống dịch, túc trực 24/24 giờ, chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các thành viên phải lên đường đến xử lý các ổ dịch.

Ngày 9-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi kiểm tra và triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại TPHCM. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn đã kiểm tra hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa đối với hành khách nhập cảnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, cho biết trong 1 tuần qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp nhận 64.000 lượt hành khách, trong đó có 6.000 lượt người đến từ vùng dịch (Trung Quốc) nhưng chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Hiện công tác chuẩn bị phòng chống cúm A/H7N9 đã sẵn sàng, như bố trí 15 nhân viên kiểm dịch làm việc 3 ca/ngày, 2 xe cứu thương chuyên dụng túc trực, thiết lập hệ thống cấp cứu 115…

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho hay công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 đã được TP triển khai đến tất cả quận, huyện. Sở chỉ đạo các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, 115, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Trưng Vương… chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp có dịch cúm xảy ra. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP làm đầu mối trong công tác thu dung, điều trị cúm cũng như tập huấn chuyên môn phòng chống cúm cho các đơn vị cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành y tế quyết tâm chặn dịch bệnh cúm A/H5N1, A/H7N9 ngay tại cửa khẩu. Bộ  cũng đã báo cáo và ngay trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát công điện cho các địa phương trên cả nước phòng chống dịch bệnh.
 

Thông qua phác đồ điều trị cúm A/H7N9

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Bộ Y tế đã xếp cúm A/H7N9 là dịch nguy hiểm nhóm A cùng với cúm A/H5N1. Đây là những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao. Do đó, các ca nghi nhiễm virus cúm này sẽ được điều trị cách ly nghiêm ngặt, phương tiện phòng hộ theo tiêu chuẩn của bệnh tối nguy hiểm.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Hội đồng Chuyên môn do ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, làm chủ tịch đã họp và thông qua phác đồ điều trị cúm A/H7N9.
 
N.Dung

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo