Khàn tiếng là triệu chứng cho biết dây thanh âm có vấn đề không bình thường. Hai dây thanh âm phải và trái - một phần cấu trúc của thanh quản - nằm ở vùng thấp của họng và là cửa ngõ chính dẫn không khí vào đường hô hấp dưới. Thanh quản vừa có chức năng bảo vệ đường thở vừa là nơi tạo ra tiếng nói khi luồng không khí từ phổi tống lên làm rung động 2 dây thanh âm. Nguyên nhân gây ra khàn tiếng thường gặp nhất là do cảm lạnh hoặc viêm nhiễm các xoang cạnh mũi, thường sẽ khỏi trong vòng 2 tuần. Nhóm nguyên nhân hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng gây ra khàn tiếng kéo dài nhiều tuần là ung thư thanh quản.
Những người bệnh khác nhau
Ông L.V.L - 60 tuổi, ở TP HCM - bị khàn tiếng kéo dài khoảng một năm, vài tháng trước đó giọng nói yếu dần và khó thở tăng dần, nhất là khi lên cầu thang; mệt khi nói, hổn hển, đứt quãng. Ông không hút thuốc lá nhưng có tiền căn lao phổi lúc còn trẻ và đã điều trị khỏi hoàn toàn. Khi soi thanh quản phát hiện 1/3 sau dây thanh âm bên phải của ông có một khối sùi, mặt trên dây thanh âm phải bám nhiều chất nhầy đục nhưng cả 2 dây thanh di động tốt, thanh môn đóng không kín khi phát âm, hở phần sau do u sùi cản trở. Kết quả sinh thiết là nang lao. Sau khi điều trị lao thanh quản và lao phổi tái nhiễm, đến nay ông hết khàn tiếng, hết khó thở và đã sinh hoạt gần như bình thường.
Thầy N.S.Th, 60 tuổi, bị khàn tiếng kéo dài nhiều năm, được chẩn đoán là viêm thanh quản mạn tính. Sau khi xem tất cả hình ảnh nội soi, xét nghiệm của những lần khám trước đây tại các cơ sở y tế bạn, bác sĩ nhận thấy phù hợp với viêm thanh quản mạn. Khi tiếp xúc, giọng nói của thầy khàn, khô, cứng, rất mệt mỗi khi phát âm. Thầy cho biết vài tháng nay ngủ ít, ăn không ngon, khó thở nhẹ và sụt cân gần 6 kg. Soi thanh quản phát hiện có một khối sùi ở 1/3 giữa dây thanh âm bên phải, dây thanh phải phù nề, mất bóng, nhợt nhạt, di động kém. Thầy có thói quen hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống rượu. Sinh thiết u và kết quả là ung thư. Thầy chấp nhận phẫu thuật khi được chẩn đoán xác định bởi bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, thầy không còn khó thở, ăn uống tốt, ngủ ngon, cân nặng phục hồi, giọng nói còn hơi rè nhưng mọi người nghe và hiểu được. Thầy Th. hài lòng về kết quả điều trị.
Vì sao bị khàn tiếng?
Nguyên nhân gây ra khàn tiếng rất đa dạng như viêm thanh quản do axít của dịch vị trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, do dị ứng, hít phải các chất kích thích, ho mạn tính, cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp. Rất nhiều trường hợp do lạm dụng thuốc lá, rượu, sử dụng giọng nói quá mức như hét to, hát quá lớn, nói nhiều. Nguy hiểm nhất là do ung thư họng lan tới thanh quản, ung thư thanh quản hoặc lao thanh quản… Hậu quả là dây thanh sẽ sưng nề và tạo nên các hạt xơ, các polip, các nang hoặc u…
Ngoài các nguyên nhân trên còn một số nguyên nhân hiếm gặp gây ra khàn tiếng như chấn thương, kích thích do đặt ống giúp thở hoặc sau nội soi khí phế quản. Tổn thương thần kinh và các cơ của thanh quản trong lúc phẫu thuật hoặc chấn thương vùng cổ trước. Hóc dị vật ở thực quản cổ hoặc thanh, khí quản. Nuốt các chất ăn mòn, chất gây phỏng như axít, kiềm. Bệnh của tuyến giáp, bệnh ung thư phổi - màng phổi, di chứng dày dính màng phổi sau lao phổi hoặc khối u trong lồng ngực chèn ép dây thần kinh vận động các cơ của thanh quản…
Cần phân biệt giữa khàn tiếng sinh lý và bệnh lý
Khàn tiếng ở một bé trai trong độ tuổi 13-15 đa phần là sự biến đổi sinh lý bình thường bên trong của thanh quản ở giai đoạn dậy thì. Nhưng khàn tiếng ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi thường là các dị tật bẩm sinh rất phức tạp.
Bình luận (0)