“Tình hình thế này là khẩn cấp rồi, trở thành dịch rồi chứ đừng nói là nguy cơ nữa. Hệ thống y tế dự phòng phải làm quyết liệt chứ như thế này là không ổn…”. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã bức xúc cho biết tại hội nghị phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết khu vực phía Nam tổ chức tại Viện Pasteur TPHCM ngày 15-8.
Số ca mắc tăng gần 400%
Bác sĩ (BS) Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, cho biết do bệnh nhân quá đông (hơn 7.000 bệnh nhân ngoại trú/ngày) nên bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải, trong khi bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng ở các tỉnh đưa về ngày càng dồn dập. Ngoài số trẻ mắc bệnh nhẹ nằm tạm ngoài hành lang, bệnh viện đã sử dụng một khoa khác để bố trí chỗ nằm cho bệnh nhân nhưng vẫn không đủ.
Theo BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong hơn 14.000 ca mắc bệnh đang điều trị tại TP, hơn phân nửa là người TP, trong đó 90% là ở trẻ dưới 3 tuổi và 70% mắc bệnh từ ở nhà. Quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh là các địa phương có số người mắc bệnh cao nhất. Để tăng cường việc cứu người mắc bệnh tay chân miệng, ngành y tế TP cũng đã mở một đợt huy động chưa từng có về máy thở, monitor cung cấp cho 3 bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và Bệnh nhiệt đới. UBND TP cũng cấp 20 tỉ đồng nhập khẩu khẩn cấp trang thiết bị, thuốc men điều trị cho bệnh này. Cũng theo ông Phạm Việt Thanh, chưa bao giờ ngành y tế TP khẩn trương như thế này, kể cả thời xảy ra dịch cúm A/H1N1.

TS-BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại các tỉnh khu vực phía Nam hiện vẫn còn ở mức báo động. Sắp bước vào đỉnh dịch (tháng 9 và 10), công tác phòng chống bệnh tay chân miệng sẽ còn rất khó khăn nếu không triển khai biện pháp hữu hiệu.
Nâng cao năng lực phòng bệnh
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phía Nam đều bày tỏ hiện trạng khó khăn trong công tác phòng chống, điều trị bệnh tay chân miệng. Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết năng lực ngành y tế tỉnh chỉ có thể điều trị được những ca mắc bệnh tay chân miệng ở cấp độ 2B. Bệnh viện tỉnh phải chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện ở TPHCM do gặp khó về thủ tục tài chính và đứt nguồn thuốc điều trị.
Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, tại Việt Nam, dịch bệnh tay chân miệng hiện dẫn đầu về số mắc và tử vong trong các bệnh truyền nhiễm hiện nay và Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong do bệnh này. Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã phê bình nhiều địa phương quá lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh: “Chúng ta phải rốt ráo lên kế hoạch và hành động cụ thể chứ đừng cứ hô hào”. Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho rằng cần phải xem lại năng lực hệ thống y tế dự phòng các địa phương hiện nay vì chưa gắn với thực tiễn. Ông đề nghị tăng cường ngân sách dành cho lĩnh vực y tế dự phòng mỗi năm lên 30% chứ như hiện nay là quá ít.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá công tác truyền thông phòng dịch bệnh cho người dân là vấn đề sống còn, song lâu nay ngành y tế còn lơ là, chỉ chú trọng vào khâu điều trị. Bộ trưởng yêu cầu các cục Y tế dự phòng và Môi trường, Quản lý Khám chữa bệnh, Quản lý dược… khẩn trương trình Chính phủ đưa loại dịch bệnh này vào chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết vướng mắc với BHXH Việt Nam, đồng thời tiến hành nhập khẩu thuốc để đáp ứng cho điều trị. “Một đứa trẻ đang khỏe mạnh nhưng đã ra đi chỉ trong 3 ngày do dịch là quá xót xa” - bộ trưởng chia sẻ.
Hơn 25.700 người mắc bệnh Tính đến ngày 15-8, khu vực phía Nam đã có 25.723 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 81 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2010, số ca mắc tăng 394% và số tử vong tăng 1.116,6%. Các địa phương có số ca mắc bệnh tăng cao là TPHCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tây Ninh, Tiền Giang… Tại tỉnh Quảng Ngãi đã có 3.844 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn điều trị cho 125 bệnh nhân.
Bình luận (0)