xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khát vọng blouse trắng (*): Người dọn đường cho y học gia đình

Bài và ảnh: ANH THƯ

Tạm gác sự nghiệp đang vững vàng của một bác sĩ hồi sức cấp cứu nhi, 16 năm trước, bác sĩ trẻ Phạm Lê An sang Mỹ theo đuổi một chuyên ngành còn xa lạ: y học gia đình

PGS-TS - bác sĩ (BS) Phạm Lê An - Phó trưởng Phòng Sau ĐH, Trưởng Trung tâm Đào tạo BS gia đình Trường ĐH Y Dược TP HCM - là một trong những BS đặt nền móng cho chuyên ngành y học gia đình tại Việt Nam.

Không ngại thử thách

Ngày mới ra trường, BS Phạm Lê An đã chọn ngành hồi sức cấp cứu nhi với lý do chính thật đơn giản: yêu trẻ con. Giữa bộn bề căng thẳng và bấp bênh sinh tử của phòng hồi sức, BS An từng bước chứng tỏ được khả năng rồi dần vững vàng trong nghề.

PGS-TS-BS Phạm Lê An (bên phải) trao kỷ niệm chương của Trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình cho đại diện ĐH Ghent (Bỉ) trong một chương trình hợp tác quốc tế
PGS-TS-BS Phạm Lê An (bên phải) trao kỷ niệm chương của Trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình cho đại diện ĐH Ghent (Bỉ) trong một chương trình hợp tác quốc tế

 

Nhưng cũng như mọi BS hồi sức khác, ngoài những lời ngợi khen khi cứu sống bệnh nhi giữa lằn ranh sinh tử, BS An phải trải qua vô số áp lực do quá tải, phải đối diện với bệnh nhân không thể cứu sống và cả những trường hợp đáng tiếc do nhập viện trễ... Vì thế, dù đang có một công việc rất tốt ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM), ông vẫn trăn trở muốn làm một điều gì đó. Nhiều nghiên cứu khoa học được vị BS trẻ thực hiện nhưng chưa bao giờ ông thấy hài lòng.

Cuối thập niên 1990, một đoàn BS từ Mỹ đến Việt Nam mang theo những khái niệm đầu tiên về BS gia đình. Lúc ấy, y học gia đình không phải là một khái niệm thu hút, thậm chí có người còn quan niệm rằng những ai theo lĩnh vực này chỉ là... BS xoàng.

Một lần, BS An được thầy đưa cho mấy quyển tạp chí về y học gia đình của Mỹ nhưng ông chẳng vội đọc mà bỏ trên bàn làm việc. Tình cờ, GS-TS-BS Nguyễn Thy Khuê nhìn thấy và bảo: “Tạp chí đó viết súc tích và hay lắm!”. Vốn quý trọng bà, BS An vội mở tạp chí ra xem thử một bài viết về hồi sức cấp cứu tim mạch. Bài viết đơn giản nhưng phân tích rất sâu, tất cả đều dựa trên y học chứng cứ và có thể ứng dụng ngay. Sự kiện ấy đưa đến những thay đổi đầu tiên của ông về BS gia đình.

Sau đó, BS Lê Hoàng Ninh (nay là GS-TS, Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP HCM) giành được học bổng về y học gia đình. Lúc này, BS An có điều kiện tìm hiểu sâu về y học gia đình thông qua sách vở, hồ sơ của BS Ninh.

Cùng với sự động viên của GS-TS-BS Nguyễn Đình Hối, Giám đốc BV Đại học Y Dược khi ấy, BS An cũng nộp hồ sơ, thi và giành được một học bổng danh giá, cho phép người học chọn những học viện tốt nhất. Ông đã chọn một nữ giảng viên người Anh cũng xuất thân từ BS nhi khoa ở ĐH California, Irvine (Mỹ) - một đại học đa ngành nhưng nổi tiếng nhất với các chuyên ngành máy tính, chẩn đoán hình ảnh và BS gia đình.

Niềm tin đã thành hiện thực khi BS An ngỡ ngàng bước vào những phòng hồi sức cấp cứu vắng tanh của Mỹ. Các BS giải thích rằng điều đó là nhờ chính cái ngành BS gia đình mà ông còn hoài nghi ấy!

BS gia đình phải là BS giỏi!

Học xong, BS Phạm Lê An về nước, trở thành người thứ 2 của Việt Nam sau BS Lê Hoàng Ninh được đào tạo bài bản về chuyên ngành y học gia đình. Năm 2002, Bộ Y tế công nhận y học gia đình là một chuyên khoa. Năm 2004, tiền thân của những phòng khám hiện đại thuộc Trung tâm Đào tạo BS gia đình hôm nay là... một chiếc bàn nhận bệnh, song song với nơi nhận bệnh của các BS tổng quát được GS Nguyễn Đình Hối giao để thí điểm.

Qua 1 năm, chiếc bàn ấy không khi nào vắng khách, rồi 2 năm nhân lên thành 4-5 bàn, sau đó thành một phòng khám ngay tại BV ĐH Y Dược TP HCM. Để thay đổi thói quen đổ xô vào BV tuyến cuối dù chỉ hắt hơi sổ mũi, từ phòng khám này, BS An nhận bệnh nhân đơn lẻ rồi dần tạo niềm tin cho họ bằng chất lượng dịch vụ khiến nhiều người đưa gia đình mình đến chữa trị. Tạo uy tín từ phòng khám ở BV ĐH Y Dược, ông dần đi sâu vào cộng đồng, mở thêm các phòng khám tại tuyến dưới. Ba phòng khám khác tại các BV quận 2, Gò Vấp và Tân Phú dần được khai trương. Sắp tới, sẽ có thêm 3 phòng khám được đặt tại trạm y tế phường ở quận 4 với lực lượng BS được đào tạo bài bản.

“BS gia đình phải là BS giỏi” - BS An khẳng định. Theo quan niệm ở Việt Nam trước đây, BS các ngành thuộc về y tế cộng đồng không được coi trọng như nhân viên y tế làm trong BV lớn. Trong khi đó, ở nước ngoài, nhiều BS gia đình vốn là BS giỏi thuộc nhiều chuyên khoa. Công việc của họ dựa trên các nguyên tắc: chăm sóc toàn diện, liên tục, theo vòng đời, trong khung cảnh gia đình và phối hợp với các chuyên khoa. Ngoài ra, họ phải được đào tạo bài bản về khám bệnh ngoại trú.

Như sợi dây liên kết giữa bệnh nhân và các chuyên khoa sâu nơi BV, BS gia đình là người nắm rõ bệnh sử của bệnh nhân và gia đình suốt vòng đời, thực hiện công tác dự phòng cho người khỏe, điều trị và tư vấn cho người bệnh cũng như giúp họ chuyển viện phù hợp. Điều này giúp tiết kiệm được nhiều chi phí y tế do hạn chế được cảnh mỗi bệnh thì bệnh nhân tìm đến nhiều nơi khác nhau, nhận về những đơn thuốc, những phác đồ thiếu sự liên kết; BS cũng mệt mỏi trong chẩn đoán do không nắm rõ tiền sử bệnh của họ cũng như các yếu tố di truyền. Hơn hết, hệ thống BS gia đình sẽ giúp giảm thiểu những trường hợp đáng tiếc do trễ muộn ở các chuyên khoa sâu hay các phòng hồi sức - điều trăn trở suốt thời tuổi trẻ của BS An.

Thử thách lớn nhất của y học gia đình tại Việt Nam là phải tạo được niềm tin cho người dân cũng như cần có thời gian phát triển về nhân sự, mạng lưới… Những năm gần đây, hệ thống BS gia đình liên tục nhận được sự ủng hộ từ Bộ Y tế. Ngoài ra, hệ thống y tế địa phương với khoảng 12.000 trạm y tế phường, xã sẽ là nền tảng để các phòng khám y học gia đình phát triển rộng khắp cộng đồng. “Dù đường còn dài nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ làm được” - PGS-TS-BS Phạm Lê An bộc bạch.

Kỳ tới: Ca phẫu thuật lịch sử

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo