Có thể thông cảm với sự sốt ruột của Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhưng khổ nỗi, sự “tháo chạy” của bệnh nhân tuyến dưới chỉ là một mặt của vấn đề quá tải bệnh viện (BV) vốn gai góc và kéo dài triền miên hơn một thập kỷ. Nó cần được mổ xẻ, soi rọi từ nhiều hướng.
Có một sự thật hiển nhiên là khi đời sống tăng lên, hiểu biết tốt hơn, người ta có xu hướng chăm lo nhiều hơn cho sức khỏe chính mình và người thân. Tất cả gia tăng sức ép trong điều kiện dân số tăng mạnh ở các thành phố lớn.
Dù vậy, là đơn vị đầu tiên ở tuyến dưới tiếp xúc và làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân nhưng các trạm y tế xã, phường và một số không ít trung tâm y tế quận, huyện đang trong tình trạng vừa thiếu bác sĩ vừa yếu về chuyên môn, lại rất thiếu trang thiết bị y tế cần thiết. Người bệnh “bỏ chạy” cũng không phải không có lý do.
Có thể nói, Bộ Y tế siết chuyển tuyến mà không cùng lúc nâng chất y tế cơ sở thì đó chỉ là giải pháp tình thế. Việc ngăn dòng bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên bằng “cây gậy” bảo hiểm y tế cũng chưa thể giải quyết cái gốc vấn đề, có khi còn đẩy người nghèo vào thế cam go. Mặt khác, cần nhìn vấn đề rộng hơn. Bộ Y tế ước tính hằng năm có khoảng 40.000 lượt người ra nước ngoài chữa bệnh, chi phí chừng 2 tỉ USD. Hầu hết các bác sĩ đầu ngành đều cho rằng các yếu tố như BV quá tải, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu, thủ tục rườm rà, tay nghề bác sĩ chưa đều… là những lý do khiến người bệnh thiếu niềm tin vào y tế trong nước. Rõ ràng y tế Việt Nam đang có một vấn đề chung.
Cách đây hơn 10 năm, ông Trần Tấn Trâm (lúc đó là Giám đốc BV Nhi Đồng 1, TP HCM ) đã nghiên cứu và triển khai kế hoạch hỗ trợ tuyến dưới để giảm áp lực cho tuyến trên, được thực hiện ở một số tỉnh phía Nam. Nhưng rồi vài năm sau đó, chính ông đã thừa nhận rằng mọi thứ trở lại như cũ khi đoàn bác sĩ Nhi Đồng 1 rút về. Y tế cơ sở lại đìu hiu, còn tình trạng bệnh nhân chen chúc như “cái chợ” vẫn tiếp tục thách thức BV.
Rất thẳng, ông nói nguyên nhân do chất lượng y, bác sĩ thấp và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh quá nghèo. Từ khó khăn thực tế, ông và các đồng sự tại BV cho ra đời mô hình “BV trong ngày”- nghĩa là khám điều trị trong ngày. Theo cách đó, nhiều bệnh nhân “sổ mũi nhức đầu” đã được lọc ra, cho toa thuốc và về nhà ngay trong ngày, tránh được nhiều trường hợp nhập viện không đáng.
Phương pháp “lọc bệnh” mà BV Nhi Đồng 1 đã áp dụng có vai trò lớn trong việc thực hiện chủ trương “siết” chuyển tuyến của Bộ Y tế. Nhưng tìm đâu ra bác sĩ giỏi cùng với các phương tiện chẩn đoán, xét nghiệm cần thiết... để lọc bệnh ngay từ tuyến dưới? Và giả sử đã có trung tâm lọc bệnh rồi thì đặt nó ở đâu? Còn nhiều câu hỏi cần trả lời để thực hiện chủ trương của Bộ Y tế.
Bình luận (0)