Rất khó tránh lây nhiễm nếu có quá đông bệnh nhân phải nằm điều trị cùng phòng như thế này
Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Xử phạt nghiêm khắc
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng bệnh nhân vượt tuyến làm BV “đông như trại tị nạn” như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói là do có đến 60% bệnh nhân bệnh nhẹ vẫn lên điều trị tại BV tuyến trên, ngành y tế đã đưa ra hàng loạt giải pháp để giảm tải. Một trong những giải pháp đó là thông báo tháng 6 tới đây sẽ có quy định về chuyển tuyến. Trong đó, sẽ chế tài xử phạt nghiêm khắc lãnh đạo BV, lãnh đạo khoa, phòng tiếp nhận bệnh nhân không sàng lọc; bệnh nhẹ, tuyến dưới cũng chữa được mà vẫn cho nhập viện.
Tuy vậy, việc “siết” chuyển tuyến không chỉ gây bức xúc cho người bệnh mà ngay những người làm trong ngành y cũng lo ngại cho tính mạng của người bệnh khi mà năng lực, nhân lực y tế tuyến cơ sở còn hạn chế.
“Việc người bệnh chê tuyến dưới không phải chuyện vô lý đâu. Đã có bệnh nhân chúng tôi điều trị ổn rồi, chuyển về địa phương để tiếp tục theo dõi nhưng chỉ 1 tuần sau đã tử vong do nhiễm khuẩn BV. Hay như bệnh viêm ruột thừa, không phải bác sĩ nào cũng chẩn đoán đúng bệnh, nhất là khi ruột thừa ở vị trí bất thường hoặc quặt ngược ra sau. Điều trị một ca viêm ruột thừa ở người khỏe mạnh là bình thường nhưng trên nền một bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp hay bệnh tim mạch là không dễ. Vậy nên, kết luận viêm ruột thừa phải điều trị ở tuyến nào là rất khó”- một bác sĩ chia sẻ.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thực tế BV tuyến trên làm quá nhiều việc mà BV tuyến dưới làm được, gây nên tình trạng quá tải, nằm giường ghép… Với quy định về chuyển tuyến, Bộ Y tế sẽ không quy định rõ bệnh này chỉ được vào BV tỉnh hay BV huyện nhưng BV tuyến trên cũng không được “vơ bèo vạt tép”, bệnh gì cũng chữa. Sẽ có những quy định về tỉ lệ hợp lý như BV hạng 1 không làm quá 20%-30% kỹ thuật của BV hạng 2. Có như vậy mới hạn chế việc bệnh nhân “chê” tuyến dưới.
Cực chẳng đã mới vượt tuyến
Bác sĩ Đỗ Hồng Kiên, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV K Trung ương (Hà Nội), cho rằng chắc chắn là không phải bệnh nhân nào cũng thực sự muốn vượt tuyến do vừa mất chi phí đi lại vừa mệt mỏi vì quá đông. Nhưng có những bệnh lý về ung thư tuyến cơ sở không đủ chuyên môn cũng như máy móc để có thể chữa được bệnh. “Sẽ khó khăn vô cùng trong việc ngăn chặn quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh của người bệnh, bởi khi bệnh nhân không tin tưởng tuyến dưới thì không thể cấm người bệnh về cơ sở điều trị tốt hơn” - bác sĩ Kiên giãi bày.
Trong khi đó, với hầu hết người bệnh thì vượt tuyến điều trị là việc làm cực chẳng đã vì tốn tiền đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ mà ngay cả người thân cũng phải bỏ công bỏ việc, con cái để đi theo chăm người ốm. “Khám ở địa phương mất tiền mà không yên tâm, dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh. Thà đi lên tuyến trên khổ hơn nhiều nhưng yên tâm hơn” - bệnh nhân Nguyễn Thị An, đang điều trị tại BV Bạch Mai (Hà Nội), bày tỏ.
Để cho quá tải nhằm nâng thu nhập (?) Hiện đang có tình trạng quá tải thật và quá tải ảo. Quá tải thật là vì các BV tuyến dưới thiếu các chuyên khoa như tim mạch, ung thư, chấn thương chỉnh hình, nhi… và thiếu bác sĩ giỏi nên bệnh nhân phải lên tuyến trên để yên tâm chữa trị. Quá tải ảo là do người bệnh thường vượt tuyến trong khi bệnh không đến mức quá nghiêm trọng. Đương nhiên, không thể bắt người bệnh chỉ điều trị ở tuyến dưới. Họ có quyền được chữa bệnh ở nơi tốt nhất, bác sĩ giỏi, dịch vụ tốt. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng nhiều BV thực sự không muốn giảm tải vì có quá tải thì mới nâng cao thu nhập. |
Bình luận (0)