Giá thuốc hiện vẫn là những con số bí ẩn. Thông tư cũ về đấu thầu thuốc qua hơn 6 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập: Cùng loại thuốc, hàm lượng, dạng bào chế, nhà sản xuất... nhưng khi cung ứng vào 2 bệnh viện (BV) chỉ cách nhau một đoạn đường lại có giá trúng thầu chênh lệch 20%-50%, thậm chí có loại lên đến 1-1,5 lần.
Khó biết đâu là giá thật khi thuốc được đấu thầu vào các bệnh viện với giá khác nhau
Bệnh nhân lãnh đủ
Sự bất cập về giá thuốc đã đẩy bất lợi về phía bệnh nhân khi bệnh giống nhau, phác đồ điều trị tương tự nhưng số tiền phải trả lại khác một trời một vực.
Khuất tất trong việc đấu thầu thuốc được bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng Ban Dược - BHXH Việt Nam, lý giải chính là sự chỉ định thầu giữa BV và doanh nghiệp cung ứng. Thuốc được lựa chọn lại phụ thuộc vào mối quan hệ của bên tham gia thầu với phía xét thầu. Bên gọi thầu sẽ đưa ra các tiêu chí để nhắm đến sản phẩm mà chỉ riêng hãng đó có.
Vì thế, nhiều bệnh nhân biết hiệu thuốc BV bán giá cao nên đã cầm đơn bác sĩ kê mang ra ngoài mua. Tuy nhiên, họ đành ngậm ngùi quay lại nhà thuốc BV và chấp nhận giá cắt cổ vì tìm đỏ mắt ở bên ngoài cũng không ra tên thuốc biệt dược mà bác sĩ kê. Dĩ nhiên, với thuốc trúng thầu được kê toa, các nhà thầu cũng phải “lấy lòng” bác sĩ vì nếu không kê đơn thì cả năm chỉ đành nằm im trong kho.
Giá thuốc có thể giảm 20%-30%
Nhằm bịt những lỗ hổng này, Thông tư 01 của liên bộ Y tế - Tài chính với nhiều quy định chặt chẽ được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa tình trạng thuốc đấu thầu vào BV mỗi nơi một giá. Theo đó, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu 1 mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm đó, thay vì 7-10 thuốc cùng trúng thầu như trước. Thuốc sẽ được phân chia nhóm dựa trên mặt bằng tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ để lựa chọn mặt hàng đáp ứng các điều kiện với giá dự thầu thấp nhất vào BV.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng nếu áp dụng đúng quy chế đấu thầu mới, giá của nhiều loại thuốc có thể giảm 20%-30% so với hiện nay. “Hiện BV Bạch Mai đã đấu thầu theo phương thức mới. Trong quá trình chấm thầu, những mặt hàng đạt 70 điểm trở lên sẽ được vào vòng trong. Sau đó đấu giá, thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu” - ông Hiền khẳng định.
Tuy nhiên, theo đại diện nhiều BV, với bài toán “tính điểm” thì việc duyệt thầu sẽ trở nên rất quan trọng. Bởi theo quy định mới, các hồ sơ mời thầu của doanh nghiệp đạt 70-100 điểm sẽ lọt vào vòng chấm thầu để lựa chọn ra thuốc có giá thành thấp nhất. Thế nhưng, một nghịch lý là với cách tính điểm từ mức tối thiểu đến tối đa “chênh” tới 30 thì có thể xảy ra tình trạng nhiều loại thuốc của Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan… sẽ được xếp chung với Mỹ, Bỉ, Ý, Pháp…
Theo một dược sĩ, chất lượng thuốc của các nước châu Á sản xuất không thể sánh với châu Âu. Muốn đánh giá đúng thuốc cần phải thử tương đương sinh học, chứ không phải chỉ nhìn vào “bề nổi” là hoạt chất, thành phần, dạng bào chế, công nghệ, nhà sản xuất… nhưng để làm được điều này sẽ không dễ vì rất tốn kém. “Điều này cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể mất đi cơ hội sử dụng những loại thuốc chất lượng tốt vì khi “ứng cử” vào BV, thuốc có giá thấp nhất, đạt các yêu cầu kỹ thuật thì đương nhiên trúng thầu” - dược sĩ này phân tích.
Dù băn khoăn rằng chất lượng thuốc sẽ hạn chế hơn nhưng nhiều ý kiến vẫn kỳ vọng chi phí cho tiền thuốc của bệnh nhân sẽ giảm. Lâu nay, tiền thuốc chiếm gần 60% tổng chi phí điều trị, thậm chí ở các BV chuyên khoa, con số này lên tới 80%-90%.
Lo thiếu minh bạch, không công bằng Một trong những tiêu chí chấm điểm thuốc trúng thầu là nếu thuốc dự thầu vi phạm về chất lượng trong vòng một năm gần nhất sẽ bị trừ 5-10 điểm. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc cập nhật danh sách các mặt hàng thuốc/cơ sở sản xuất vi phạm chất lượng công bố tại website của Cục Quản lý dược không kịp thời, đầy đủ hoặc không nêu ngày tháng vi phạm. Điều này có thể sẽ dẫn đến chuyện “lọt sổ” những loại thuốc vi phạm, không bị trừ điểm khiến việc đấu thầu thuốc thiếu minh bạch và không công bằng. |
Bình luận (0)