Bạn đọc Nguyễn Ngọc Như (nữ, 32 tuổi, quận 11, TP HCM) hỏi: Sau 7 năm tránh thai, tôi muốn sinh con thứ 2 nhưng đã đợi hơn 9 tháng mà không có tin vui. Tôi nghe nói 1 năm không tránh thai mà không có con được, thì coi là vô sinh phải không? Bạn tôi còn nói tại tôi dùng thuốc nội tiết trong 7 năm nên giờ khó có con, tôi rất buồn. Xin bác sĩ tư vấn giúp, có thật tôi đã vô sinh vì uống thuốc, que cấy, thuốc tiêm tránh thai mà tôi đã sử dụng? Có cách nào khắc phục không?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Thuốc tránh thai nội tiết có nhiều loại và nhiều dạng như:
- Thuốc vỉ uống hàng ngày (21 hoặc 28 viên/vỉ), có loại kết hợp 2 nội tiết hoặc đơn thuần 1 nội tiết.
- Thuốc tránh thai khẩn cấp uống ngay sau giao hợp.
- Que cấy tránh thai loại 1 que hoặc nhiều que.
- Miếng dán ngoài da dùng mỗi tuần.
- Vòng đặt âm đạo hoặc vòng đặt trong tử cung có chứa nội tiết.
- Thuốc tiêm tránh thai tiêm mỗi 3 tháng (DMPA).
Theo trong thư, bạn đã dùng khá nhiều dạng thuốc tránh thai nội tiết trong vòng 7 năm qua. Đầu tiên tôi xin khẳng định rằng các dạng thuốc tránh thai nội tiết nói trên đều không gây vô sinh.
Việc chậm có con có thể có nhiều nguyên do, trong đó có thể phụ thuộc vào dạng thuốc bạn đang dùng. Với đa số các loại thuốc nêu trên, khả năng có thai sẽ phục hồi ngay sau khi ngưng dùng, nhiều người thậm chí có thai ngay tháng đầu sau khi dừng thuốc. Với thuốc viên tránh thai, nhiều người chỉ cần quên 1-2 viên cũng đã có thai nếu không tuân thủ cách uống bù và biện pháp bảo vệ bổ sung khi quên thuốc.
Tuy nhiên, trong các loại thuốc tránh thai nội tiết bạn dùng có thuốc tiêm tránh thai. Nếu biện pháp bạn dùng trong thời gian gần đây là loại này và đã dùng nhiều năm, có khi 9-12 tháng sau bạn mới có thể có thai lại, ngay cả với người trong độ tuổi sinh đẻ và khả năng thụ thai còn tốt (20-35 tuổi).
Việc chậm có thai lại sau khi dùng thuốc tiêm là hoàn toàn bình thường và chỉ đơn giản là tác dụng tránh thai của thuốc còn tồn trong cơ thể bạn chứ không phải nó gây vô sinh. Bạn không nên quá lo lắng, hãy chờ thêm một thời gian nữa nếu rơi vào trường hợp này.
Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm có thai tiếp tục kéo dài nhiều tháng nữa, bạn và chồng nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa sản để được thăm khám, loại trừ các nguyên nhân mới phát sinh có thể khiến các bạn khó có con. Nguyên nhân này có thể đến từ một trong hai, hoặc cả hai vợ chồng, nên cả hai bạn đều cần đi khám.
Bình luận (0)