Sau cuộc vận động kéo dài 5 tháng của người thân, chị M.T (ngụ tỉnh Long An) mới chịu đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ ở TP HCM khám. Cách đây 2 năm, sau khi sinh cháu thứ 2 khá khó khăn, chị bắt đầu gặp chứng són tiểu và hơi mắc tiểu là phải chạy ngay vào nhà vệ sinh, không kiềm chế được. Giờ thì chị ngỡ ngàng khi nỗi niềm khó nói suốt 2 năm chấm dứt chỉ bằng vài tuần tập cơ sàn chậu.
Vượt qua xấu hổ
Chị Tr.M.A (45 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết lý do mình trì hoãn đi khám khi phát hiện "són tiểu" chủ yếu là do nghĩ không trị được và cả xấu hổ. "Tôi không có chồng con nhưng vẫn mắc bệnh, sợ người ta nghĩ mình sống không đàng hoàng nên mới bị mấy bệnh tế nhị này" - chị nói.
Thế nhưng chuyện khó nói của nhiều phụ nữ thực ra lại phổ biến đến bất ngờ. Một nghiên cứu do giáo sư Emily S. Lukacz từ Đại học California ở San Diego (Mỹ) dẫn đầu, công bố năm 2018 đã ước tính có tới gần 50% phụ nữ từng phải trải qua tình trạng tiểu không tự chủ trong đời, mà dân gian còn gọi là "són tiểu". Đáng chú ý chỉ 25%-61% phụ nữ tại các cộng đồng tìm kiếm sự chăm sóc, hướng dẫn y tế cần thiết.
Một cuộc thăm dò khác của Đại học Michigan (Mỹ) nhắm vào đối tượng trung - cao niên cho thấy trong đội tuổi 50-64, có tới 43% phụ nữ đang sống chung với tiểu không tự chủ. Tỉ lệ tăng lên 51% ở phụ nữ trên 65 tuổi. Báo cáo này cũng cho thấy chỉ 38% phụ nữ mắc bệnh có tìm đến các bài tập và những dạng trợ giúp y tế khác. Các tác giả nhấn mạnh vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sự tự tin và chức năng tình dục của phụ nữ.
Nếu gặp “chuyện khó nói” khi tập thể dục, đi lại, ho, hắt hơi, hãy tìm gặp bác sĩ. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh:HOÀNG TRIỀU
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, són tiểu - tiểu không tự chủ do 2 yếu tố dẫn đến. Một là sự tất yếu của quá trình lão hóa, vùng chậu - sinh dục không còn được như trước, cân cơ suy yếu, một số người cơ thể tự thích nghi được, một số thì không. Hai là do sinh đẻ, thường gặp ở những ca sinh khó, có biến chứng, con to… Sinh dồn, tức khoảng cách giữa các đứa con quá ít khiến vùng chậu - sinh dục chưa kịp phục hồi cũng là nguyên nhân.
BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết đặc điểm dễ nhận diện của són tiểu là nước tiểu thường bị rơi ra một cách không kiểm soát do sự mất cân bằng giữa lực giữ nước tiểu của niệu đạo và lực co bóp để thải nước tiểu của bàng quang, thường xảy ra lúc bệnh nhân hoạt động gắng sức làm tăng áp lực trong bụng. Đó là khi bạn ho, hắt hơi, cười, đi lại, tập thể thao, nâng vật nặng, thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng, sinh hoạt tình dục.
"Són tiểu có thể gây viêm nhiễm, mất tự tin, lo âu, trầm cảm, chất lượng sống suy giảm nghiêm trọng" - BS Thông nhìn nhận. Sự xấu hổ, ngại ngùng vì nước tiểu rơi ra không đúng lúc khi quan hệ tình dục cũng là nỗi khổ lớn của nhiều chị em.
Không khó điều trị
Theo BS Trần Ngọc Hải, điều quan trọng nhất là chị em phải hiểu tình trạng mình gặp không có gì đáng xấu hổ. Bạn có bệnh và bạn cần phải chữa bệnh. Cho dù chỉ ở mức độ nhẹ, són tiểu chút ít, bạn cũng nên đến gặp BS chuyên khoa. Cho dù tình trạng diễn tiến nặng, tiểu không tự chủ quá nhiều đến mức hay tiểu không tự chủ có nguyên nhân từ sa tạng chậu (cơ vùng chậu suy yếu dẫn đến một số cơ quan trượt khỏi vị trí ban đầu như tử cung, bàng quang, trực tràng), vẫn có các phương pháp may phục hồi sàn chậu.
BS Nguyễn Ngọc Thông cho biết trong các trường hợp nhẹ, mới són tiểu chút ít, có thể dễ dàng phục hồi chỉ bằng các bài tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu, ví dụ như Kegel. Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa sản phụ khoa khám để được đánh giá đúng mức độ bệnh, hướng dẫn cách tập đúng để về tập tại nhà. Trong các trường hợp nặng, ngoại trừ phẫu thuật thì một số tình huống có thể xử lý bằng phương pháp nội khoa, laser…
Riêng trường hợp són tiểu nhẹ sau sinh, các triệu chứng có thể giảm dần và mất đi trong vòng 2-3 tháng. Nếu quá thời gian này, bạn hãy đi khám. "Tuyệt đối không nên nghĩ đến việc sinh mổ để tránh tiểu không tự chủ. Nguyên nhân chính của són tiểu liên quan đến sinh đẻ là do cả quá trình mang thai, tử cung lớn dần và đè vào bàng quang cùng toàn bộ lớp cân cơ đáy chậu. Còn cuộc đẻ thường không phải là tác động chính. Sinh mổ có nhiều nguy cơ riêng, vì vậy chỉ nên sinh mổ khi bắt buộc phải làm thế, theo chỉ định của BS" - BS Thông nhấn mạnh.
Không sinh nở vẫn són tiểu
Theo các bác sĩ, không nên nghĩ rằng són tiểu - tiểu không tự chủ chỉ là do sinh nở. Yếu tố lão hóa đóng vai trò lớn trong tiểu không tự chủ. Vì vậy, người không hề sinh nở vẫn có thể gặp phải tình trạng này. Nam giới cũng thường gặp phải sau phẫu thuật ở tuyến tiền liệt. Các nghiên cứu trên thế giới cũng chứng minh một số yếu tố mang tính lối sống như hút thuốc lá, béo phì... cũng làm tăng nguy cơ.
Bình luận (0)