Có dấu hiệu doanh nghiệp thay đổi kết quả kiểm nghiệm
Báo cáo với Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết từ ngày 16-9 tại TPHCM đã có hai đoàn tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm melamine là Sở Y tế và đội quản lý thị trường (QLTT). Đến nay, Sở Y tế đã lấy tất cả được 65 mẫu của 19 cơ sở và đã thực hiện kiểm nghiệm được 41 mẫu, trong đó có 8 mẫu kết quả nhiễm melamine.
Sản phẩm sữa bị nhiễm melamine, gồm: sữa Yili (Công ty Kim Ấn), nguyên liệu Non Dairy Creamer (Công ty Lựa Chọn Đỉnh), Non Dairy Creamer Thái Lan (Công ty Á Châu), sữa Golden Food (loại hộp giấy của Công ty Dinh dưỡng Vàng) và 3 mẫu bánh. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 cũng cho biết vừa phát hiện thêm 5 mẫu bánh có kết quả dương tính với melamine. Như vậy, tính đến nay, tại TPHCM đã có tất cả là 13 loại sữa, sản phẩm từ sữa “dính” melamine.
Bác sĩ Châu cũng cho biết đang xảy ra một thực trạng về kết quả kiểm nghiệm melamine của các doanh nghiệp (DN) tự đi kiểm tra không thống nhất với kết quả kiểm nghiệm của Sở Y tế. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm giữa các trung tâm cũng có sự khác nhau.
“Đang có dấu hiệu các DN thay đổi kết quả kiểm nghiệm, khi phát hiện sản phẩm của mình bị “dính” melamine, thay vào đó là kết quả khác” - bác sĩ Châu nhận định.
Theo Thứ trưởng Cao Minh Quang, Bộ Y tế đã có cơ chế rất “thoáng” cho các DN tự công bố chất lượng sản phẩm. Nghĩa là DN tự lấy mẫu, tự gởi mẫu kiểm nghiệm và tự công bố, tự giải quyết nếu sản phẩm mình bị nhiễm melamine. Tuy nhiên, nếu DN nào gian dối về kết quả, coi thường sức khỏe người dân sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Quang cũng cho biết hiện Cục ATVSTP làm việc khẩn trương để giải quyết ách tắc, giúp DN sớm hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Cho đến nay đã có hơn 1.000 tấn sữa, nguyên liệu sữa phải đình lưu thông, nhập khẩu...
Phải cung cấp đủ nguồn sữa cho trẻ
Thông tin từ Bộ Y tế, cho biết hiện nay trên cả nước, các cơ quan chức năng đã lấy 500 mẫu sản phẩm có liên quan đến sữa để kiểm nghiệm và bộ đã công bố 23 mẫu sản phẩm của DN nhiễm melamine. Bộ cũng vừa công bố 22 trung tâm kỹ thuật trên cả nước đủ điều kiện thực hiện kiểm nghiệm melamine. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc ký TPHCM là nơi được DN đổ xô nộp mẫu kiểm nghiệm nhiều nhất, nhưng về mặt pháp lý, trung tâm này lại không nằm trong danh sách các đơn vị được Bộ Y tế công nhận kết quả kiểm nghiệm melamine!
Một vấn đề quan tâm khác hiện nay là người dân tẩy chay sữa. Việc cắt nguồn dinh dưỡng sữa ở các trường học, đặc biệt là trường mầm non, theo Thứ trưởng Quang đây là vấn đề rất nguy hiểm, vì ảnh hưởng sức khỏe của các trẻ. Thứ trưởng Quang chỉ đạo các trường tuyệt đối không được cắt nguồn sữa của trẻ, hiệu trưởng có trách nhiệm kiểm tra nguồn sữa đầu vào, không để phụ huynh tự ý mang sữa vào trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:
Các cơ sở giáo dục không sử dụng sữa không rõ nguồn gốc
Để bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các trường học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa có công văn gửi tất cả các cơ sở giáo dục, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước yêu cầu: Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm chất lượng ATVSTP cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường.
Bảo đảm ATVSTP trong trường học; Không sử dụng sản phẩm chứa melamine (theo thông báo của Bộ Y tế) và các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, quá hạn sử dụng. Đề nghị các công ty hợp đồng cung cấp sữa cho trường học xuất trình giấy xét nghiệm xác định tính chất melamine trong sữa theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra việc bảo đảm ATVSTP tại các bếp ăn tập thể, căng tin của nhà trường, đặc biệt đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa. Phối hợp đưa các trẻ em, học sinh, sinh viên có dấu hiệu mắc bệnh sau khi dùng sữa và các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. T.N |
Bình luận (0)