xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Bão” melamine: Phòng vệ kém cỏi, phản công yếu ớt!

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Không phải khi xì-căng-đan sữa Trung Quốc nhiễm melamine xảy ra, lỗ hổng quản lý về an toàn thực phẩm mới phơi bày. Chúng ta đã buông lỏng công tác này quá lâu, sức khỏe của người dân bị coi thường...

Sự kiện sản phẩm sữa Yili của Trung Quốc bị phát hiện có chứa hàm lượng melamine vượt quá quy định có mặt tại thị trường VN xảy ra đúng một năm sau sự kiện nước tương, xì dầu chứa hàm lượng chất độc hại 3-MCPD quá giới hạn cho phép tới 300 lần. Vụ nước tương “đen” bị ém nhẹm suốt mấy năm liền chưa kịp lắng xuống, thì người tiêu dùng lại hoang mang về vụ nước mắm chứa urê.

Thực phẩm chức năng (TPCN) là dùng để ăn, nhưng sự việc sản phẩm Khang Mỹ Đơn là viên đặt âm đạo của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển quốc tế Monjoin VN lại được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cấp phép như là loại TPCN, đã gây ồn ào dư luận, thậm chí gây cười bất tận cho nhiều người. Có thể đặt câu hỏi, phải chăng cơ quan chức năng quá dễ dãi trong việc cấp giấy phép lưu hành các loại TPCN? Cách đây chưa đầy 3 tháng, Bộ Y tế đã phải ra quyết định thu hồi khẩn cấp một sản phẩm có chứa sildenafil, từng được Cục ATVSTP cấp chứng nhận tiêu chuẩn. Sildenafil là hoạt chất tân dược được sử dụng cho điều trị rối loạn cương dương ở nam giới, chất này không hề được công bố trong hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm TPCN với Cục ATVSTP. Trong khi đó, sildenafil là hoạt chất có khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ngay sau đó, một cuộc kiểm tra về hồ sơ cấp phép TPCN do Cục ATVSTP cấp thì có tới 215/459 hồ sơ cấp phép TPCN được kiểm tra có thiếu sót về thủ tục, chiếm gần 50% hồ sơ được kiểm tra. Sự lúng túng và dễ dãi của cơ quan quản lý về thực phẩm lại một lần nữa cho thấy năng lực quản lý ATVSTP của ngành chức năng còn quá yếu kém so với yêu cầu bảo vệ sức khỏe người dân.

Lỗ hổng quản lý

Lần nào đề cập đến vấn đề quản lý vệ sinh thực phẩm sao cho an toàn và hiệu quả, ông Trần Đáng, lúc còn giữ chức vụ cục trưởng Cục ATVSTP, cũng phân trần: “Nước ta, hầu hết các nguyên liệu thực phẩm được sản xuất quy mô hộ gia đình. Ngoài ra, khoảng 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn dừng ở quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm bày bán lẻ tẻ... nên quản lý ATVSTP rất khó khăn”. Có lẽ vì cách nghĩ này mà nhiều năm nay khái niệm “quản lý chất lượng thực phẩm” dường như không thể đi vào cuộc sống!

Điều này càng được lộ rõ hơn ở khâu cấp phép của các cơ quan quản lý. Chỉ nói riêng về sữa, để cấp phép cho sản phẩm này, cơ quan quản lý chủ yếu dựa trên công bố của nhà nhập khẩu chứ rất khó tiến hành kiểm tra, xét nghiệm xem những gì được nêu trong công bố đó có đúng sự thật hay không, vì thiếu cả trang thiết bị lẫn người thực hiện. Với quy trình cấp phép rất đơn giản như vậy, rõ ràng hàng rào quản lý đang có “lỗ hổng”, vô tình tạo điều kiện cho phía kinh doanh “lách”.

Việc các phòng xét nghiệm đang quá tải mẫu sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa xếp hàng để được kiểm nghiệm melamine, lại một lần nữa cho thấy hệ thống labo kiểm nghiệm thực phẩm còn quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Vì thế vừa rồi Bộ Y tế đã phải chấp nhận cả các kết quả kiểm nghiệm xác định chất melamine trong sữa của doanh nghiệp tại các labo nước ngoài. Lại còn cho phép các doanh nghiệp tự kiểm tra chất lượng, dẫn đến các số liệu khác nhau, rất phức tạp, người tiêu dùng không biết đâu mà lần. Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, cũng nhận định hệ thống quản lý cần phải cải tiến lại. Việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm phải song song với tiền kiểm, hậu kiểm, giám sát trên thị trường. Về lâu dài, Bộ Y tế phải xây dựng những labo đủ tiêu chuẩn, dự trữ chất chuẩn để giám sát chủ động chứ không chạy theo vụ việc như hiện nay.

“Quả bóng” trách nhiệm thuộc về ai?

Vụ sữa chứa chất melamine ở Trung Quốc có lẽ phải khiến non nửa thế giới “tá hỏa”. Và ngay sau khi cải chính tuyên bố nóng vội “chưa hề có sữa Trung Quốc nào được nhập khẩu vào VN”, lãnh đạo Bộ Y tế đã khẳng định mạnh mẽ: Cần phải có một cuộc “đại phẫu” về công tác quản lý với TPCN, thực phẩm nguy cơ cao. Bởi với cách thức chỉ đơn thuần tiếp nhận hồ sơ, công bố kết quả như hiện nay, chất lượng thực phẩm hầu như bị thả nổi.

Trong khi người tiêu dùng ở VN chưa có tiền lệ đi kiện khi bị ảnh hưởng quyền lợi thì với quy trình quản lý còn nhiều lỗ hổng như hiện nay, quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó có rất nhiều trẻ em đang không được bảo vệ. Nhưng đáng nói hơn cả, sau những phát hiện về sữa không an toàn được nhập từ Trung Quốc, đến thời điểm này mới chỉ có một cơ sở đứng ra xin lỗi khách hàng về sự cố sản phẩm của họ nhiễm melamine!

Theo ông Đỗ Gia Phan, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN, hội đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan Nhà nước phải giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, nhưng những kiến nghị đó như ném vào hư không. Hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm đã bị phơi bày, từ chuyện nước tương, nước mắm, hàn the, cho đến thực phẩm tẩm ướp đủ loại hóa chất, phẩm màu công nghiệp... vi phạm cứ nhan nhản, ngộ độc tập thể xảy ra như cơm bữa mà chưa thấy ai bị cách chức, truy cứu trách nhiệm hình sự!?

Bởi vậy, tình trạng, mỗi khi có sự cố liên quan đến sức khỏe con người thì “quả bóng trách nhiệm” cứ đẩy bên này lại lăn bên kia. người dân phải tự hỏi: “chẳng lẽ phải chung sống hòa bình với thực phẩm không an toàn?”.

Giáo sư - viện sĩ Phạm Song, Chủ tịch Tổng Hội Y dược học VN, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế:

Kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm phải giống như thuốc

Việc sữa nhiễm melamine là tiếng chuông cảnh báo lớn cho nhiều quốc gia. Sự việc này cũng nhắc ta phải nhìn lại cách quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng trong vấn đề ATVSTP. Cũng phải thừa nhận thực tế, không một quốc gia nào có thể thực hiện được 100% việc kiểm soát các sản phẩm nhập khẩu bởi nó không chỉ được nhập khẩu qua đường chính ngạch mà còn qua các đường tiểu ngạch, xách tay, thậm chí mua chuộc quan chức... Chính vì thế, cần phải tăng cường giám sát của Nhà nước cũng như sự tham gia của người dân.

Để kiểm soát độ an toàn của các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, trong đó có sữa, cần phải xây dựng hệ thống labo kiểm nghiệm quốc gia đặt tại 3 miền. Khi sản phẩm chưa có chứng nhận kiểm nghiệm về các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân thì không được phép lưu hành. Việc kiểm nghiệm, cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm cũng phải nghiêm ngặt như đối với thuốc chữa bệnh. Bởi thực phẩm là thứ mà chúng ta hằng ngày, hằng giờ phải sử dụng.

N.D ghi

Những doanh nghiệp muốn xét nghiệm sản phẩm của mình có nhiễm melamine có thể tìm đến các địa chỉ sau:

1. Viện Dinh dưỡng (48 Tăng Bạt Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội).

2. Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TPHCM (159 Hưng Phú, Q.8-TPHCM).

3. Viện Pasteur Nha Trang (số 8-10 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa).

4. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên (59 Hai Bà Trưng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

5. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 Hà Nội (8 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội).

6. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (số 2 Ngô Quyền, Đà Nẵng).

7. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Số 7, Đường 1, Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai).

8. Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương (48 Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội).

9. Viện Kiểm nghiệm Thuốc TPHCM (số 200 Cô Bắc, TP HCM).

10. Viện Hóa học Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội).

11. Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Khoa học Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội).

12. Viện Hóa học Công nghiệp - Bộ Công Thương (2 Phạm Ngũ Lão, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội).

13. Công ty Cổ phần Giám định Vinacontrol (54 Trần Nhân Tông, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội).

14. Chi nhánh Công ty Cổ phần Giám định Vinacontrol tại TPHCM (80 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3-TP HCM).

15. Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội).

16. Viện Công nghiệp Thực phẩm - Bộ Công Thương (218 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội).

17. Trung tâm Giáo dục và Phát triển sắc ký - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - (2 Đại Cồ Việt, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội).

18. Trung tâm Dịch vụ và Phân tích thí nghiệm - Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM (2 Nguyễn Văn Thủ, Q.1-TPHCM).

19. Phòng Thí nghiệm Bộ môn Hóa lý - Đại học Y Dược TPHCM (217 Hồng Bàng, Q.5-TPHCM).

20. Viện Pasteur TPHCM (167 Pasteur, Q.3-TPHCM).

21. Viện Nghiên cứu Rau quả - Bộ NN-PTNT (thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

22. Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT (phố Hồ Đắc Di, Q. Đống Đa, Hà Nội).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo