Sản phụ chờ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ
Chưa chắc an toàn
Trường hợp sản phụ tử vong mới nhất và cũng được bệnh viện kết luận do thuyên tắc ối nhưng đoàn đại biểu Quốc hội địa phương không chấp nhận kết quả này mà yêu cầu giám định pháp y lên cấp Trung ương là chị Trần Thị Hưởng (SN 1980, ngụ tỉnh Phú Yên). Chị Hưởng cùng thai nhi đã tử vong sau 4 giờ nhập viện chờ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên vào sáng 15-3.
Các vụ việc sản phụ tử vong trên cả nước gần đây cũng đều ghi nhận việc phía người nhà có yêu cầu cho sản phụ sinh mổ.
Theo các chuyên gia sản khoa, không phải lúc nào bác sĩ cũng thực hiện theo yêu cầu sinh mổ của thân nhân sản phụ khi mà các điều kiện ban đầu của sản phụ cho phép có thể thực hiện một ca sinh thường. Y học không khuyến khích việc sinh mổ, ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng.
Theo PGS-BS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM, nhiều người lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trẻ tử vong từ lúc sinh ra cho đến 28 ngày sau sinh) ở các ca mổ lấy thai cao hơn so với các ca sinh thường. Ngay cả mổ chủ động, tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng 2,84 lần so với sinh thường. Đối với trẻ, mổ lấy thai chủ động không qua chuyển dạ thì nguy cơ hội chứng suy hô hấp cấp cũng cao gấp 2,6 lần; có chuyển dạ rồi mới mổ lấy thai nguy cơ này cũng cao gấp 1,9 lần. Hội chứng suy hô hấp cấp và sinh non là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
ThS-BS Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), cho biết việc sinh con theo tử vi, chọn giờ vàng để bắt con dễ gây rủi ro cho trẻ. Bởi nếu thai nhi dưới 39 tuần tuổi thì phổi chưa hình thành, dễ suy hô hấp, phải thở máy, nhiễm trùng…
Nên tối ưu phòng ngừa
PGS-TS Trần Thị Lợi, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết một trong những tai biến nguy hiểm nhất không thể dự phòng được, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào cho sản phụ trong khi sinh là thuyên tắc ối. Tai biến này dù ít gặp nhưng lại có tỉ lệ tử vong rất cao, nếu chẳng may gặp phải thì tỉ lệ tử vong của sản phụ từ 61% đến 80%. Biến cố xảy ra thường trong giai đoạn cuối của chuyển dạ, với cơn co tử cung mạnh và ối vỡ. Nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi, lên não, gây suy hô hấp cấp. Bệnh nhân sẽ đột ngột tím tái, trụy tim mạch, rối loạn đông máu và tử vong.
PGS-BS Vũ Thị Nhung khuyến cáo: Bên cạnh những trường hợp bất khả kháng, không thể dự phòng được như tắc mạch ối thì hầu hết nguyên nhân đều có thể phòng ngừa được. Nhiều thai phụ không chịu đi khám thai định kỳ để phát hiện bệnh sớm và bảo vệ tính mạng của người mẹ. Nhiều người có những dấu hiệu bất thường nhưng vẫn nghĩ đó là bình thường, lúc đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn.
Các chuyên gia sản khoa lưu ý mỗi phương pháp sinh đều có ưu, nhược điểm riêng. Ưu điểm sinh tự nhiên là sản phụ sinh ít bị viêm nội mạc tử cung, không bị nguy cơ từ phẫu thuật như nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các cơ quan trong bụng (ruột, bàng quang); thời gian nằm viện hậu sản ngắn, chi phí thấp, mẹ không đau nhiều sau sinh nên chăm sóc bé tốt và cho con bú sớm hơn. Còn trong sinh mổ, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, chi phí nhiều, đau nhiều sau sinh, mệt mỏi, nguy cơ cao nứt vết sẹo mổ cũ khi mang thai lần kế tiếp.
Không dễ tiên lượng Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cho biết trong một ca sinh thường hay sinh mổ, không ai có thể nói trước sẽ chắc chắn thành công vì có thể một số trường hợp xảy ra ngoài ý muốn mà bác sĩ không thể tiên lượng được. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, tỉ lệ sản phụ tử vong vẫn là 14/100.000 người. Ở nước ta, đầu thập niên 1980, số phụ nữ qua đời trong lúc sinh lên tới 250/100.000 ca; còn hiện nay, con số tử vong là 75/100.000 ca. |
Bình luận (0)