Sáng 21-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ)Trung ương về phòng chống dịch Covid-19, đã chủ trì cuộc họp BCĐ.
Chỉ đột biến một số đoạn gien
Liên quan việc nghiên cứu, sử dụng vắc-xin chủng ngừa Covid-19 trên thế giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện khoảng 46 nước đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 với khoảng 28 triệu liều vắc-xin được sử dụng.
Tuy nhiên, để tiêm được vắc-xin cho mọi người dân và tạo được miễn dịch trong cộng đồng sẽ là một quá trình lâu dài, nhất là trong thời điểm này biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nhiều nước, lây lan nhanh hơn. Vì vậy, kể cả những nước đã tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đáng lưu ý, gần đây số người tử vong ghi nhận hằng ngày cao hơn trước rất nhiều.
Cùng ngày, tại Trường ĐH Y Hà Nội, Bộ Y tế khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam có tên Covivac, do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu và sản xuất.
Theo GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tiến hành tại Trung tâm Dược lý lâm sàng Trường ĐH Y Hà Nội. Giai đoạn này dự kiến tuyển 120 tình nguyện viên là người khỏe mạnh, chia thành 5 nhóm sử dụng các liều vắc-xin 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg, 1 mcg... Mỗi tình nguyện viên được tiêm 2 mũi vắc-xin cách nhau 28 ngày. Dự kiến, tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin vào tháng 2-2021. Đối tượng được chọn thử nghiệm là người 18-75 tuổi tại Việt Nam. Sau khi tiêm, tình nguyện viên được theo dõi sức khỏe tại Trường ĐH Y Hà Nội trong 24 giờ, sau đó về nhà tự theo dõi dưới sự hướng dẫn của cán bộ nghiên cứu.
GS Đặng Đức Anh cho biết các phản ứng thường gặp sau tiêm vắc-xin có thể là đau, ban đỏ, sưng tấy - là những phản ứng thông thường. Hiện IVAC đã mua bảo hiểm sản phẩm để chi trả cho việc điều trị các thương tích liên quan nghiên cứu.
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết vắc-xin Covivac được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5-2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, kết quả an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người. Vắc-xin sản xuất dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Trước những lo ngại các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể vô hiệu hóa khả năng bảo vệ của các loại vắc-xin ngừa Covid-19, GS-TS Đặng Đức Anh cho rằng biến chủng chỉ đột biến trên một số đoạn gien nên không ảnh hưởng vắc-xin ngừa Covid-19. Với vắc-xin Covivac, đoạn gien khá dài trong khi đột biến chỉ trên một số điểm, không phải toàn bộ nên nhìn chung, biến chủng của SARS-CoV-2 sẽ không ảnh hưởng.
Ngay cả trên thế giới, các vắc-xin Covid-19 đang nghiên cứu cũng không ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch. Đó chính là lý do các nhà sản xuất trên thế giới vẫn dùng chủng này để sản xuất vắc-xin, cho thấy đáp ứng miễn dịch rất tốt.
Tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Covivac ngừa Covid-19. Ảnh: NGỌC DUNG
Lên phương án đón kiều bào
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết dịp Tết nguyên đán sắp tới, địa phương không lơ là công tác phòng chống dịch và có phương án để đón kiều bào cùng gia đình về quê ăn Tết.
Đoàn công tác của BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn làm trưởng đoàn đã làm việc với BCĐ phòng chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ ngày 21-1. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, tính đến ngày 15-1, tổng số trường hợp mắc Covid-19 ghi nhận trên địa bàn là 10 người (đều là người nhập cảnh được cách ly tập trung) và tất cả đã được điều trị khỏi. Địa phương chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Có 2.807 người được cách ly tập trung tại khu cách ly do quân đội quản lý và 88 trường hợp cách ly tại khách sạn, nơi lưu trú sử dụng làm cơ sở cách ly y tế cho chuyên gia.
Cũng theo ông Trần Việt Trường, gần Tết nguyên đán sẽ có một số người nhập cảnh Cần Thơ bằng nhiều ngả đường nên lực lượng chức năng rất cảnh giác.
"Trên địa bàn số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài tới hàng ngàn người. Do đó, chắc chắn số người về quê ăn Tết sẽ đông. Chúng tôi tính toán phương án đón bà con về quê ăn Tết theo hướng dẫn phòng chống dịch: Từ tiếp nhận, phân loại, tổ chức cách ly cho đến điều trị. Kịch bản như thế nào, dự phòng đều có tính toán. Nhất là dịp Tết, không lơ là, chủ quan đối với công tác phòng chống dịch" - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu BCĐ phòng chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch, trong công tác tố giác. Cần có kịch bản đối phó với mọi tình huống và tăng cường diễn tập, tập huấn, rà soát các trang thiết bị, ứng phó với mọi tình huống một cách chủ động...
Bình luận (0)