Vỡ kịch bản
Ca mổ huy động ê kíp hùng hậu gồm 37 người, trong đó có 11 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy và 16 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc). Thời gian phẫu thuật dự kiến trong vòng 12 giờ.
Phía đoàn chuyên gia Hàn Quốc, GS Lee là người mổ chính. Phía Việt Nam, ngoài TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, có mặt trực tiếp chỉ đạo trong phòng mổ, ê kíp còn lại gồm các bác sĩ Khoa Ngoại Gan-Mật-Tụy như PGS-TS Nguyễn Tấn Cường (trưởng khoa) và BS Phạm Hữu Thiện Chí (phó khoa).
Đúng 6 giờ 30 phút, mẹ con bà Đ. được đưa vào phòng mổ. Sau đó, các bác sĩ tỉ mỉ tách từng milimet gan người cho lẫn người nhận. Công đoạn phẫu thuật diễn ra trong trạng thái khẩn trương nhưng cẩn trọng tuyệt đối. Bên ngoài hội trường, hàng chục bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chăm chú theo dõi ca phẫu thuật qua màn ảnh. Gần về trưa, diễn tiến phẫu thuật diễn ra khẩn trương, các bác sĩ dò soát từng mạch máu trong lá gan của cả 2 bệnh nhân. Theo kịch bản, quá trình lấy gan người cho sẽ được thực hiện nhanh hơn để tạo hình và ghép nối cho người nhận.
Đến đầu giờ chiều, một bất ngờ xảy ra trong phẫu thuật mà những lần hội chẩn kiểm tra chưa xác định: Các bác sĩ phát hiện người mẹ có 3 lá lách (tỉ lệ 1/100.000 người, người bình thường 1 lá) và do biến chứng xơ gan dẫn đến cường lách quá nặng nên phải cắt bỏ toàn bộ. “Việc cắt bỏ lách là nằm ngoài dự kiến” - từ phòng mổ, giọng một bác sĩ trong ê kíp vang ra.
Sai một li đi một dặm
Đến khoảng 16 giờ, lá gan hư của bà Đ. đã được lấy ra ngoài, phần gan của người con cũng được tách ra trước đó khoảng 30 phút. Sau khi thám sát từng tĩnh mạnh, mạch máu, các bác sĩ nhanh chóng đưa lá gan của người con vào ổ bụng bà Đ. và bắt đầu công đoạn ghép nối. Hàng chục người trong phòng mổ, mỗi người một việc với sự tỉ mỉ đến từng chi tiết bé xíu vì họ hiểu rằng sai một li đi một dặm.
Theo PGS-TS-BS Trần Minh Trường, ê kíp phẫu thuật đã sử dụng thiết bị mới là dao Cusa. Thiết bị này vừa là dao mổ điện vừa là dụng cụ để hút mô với ưu điểm là giảm chảy máu, ít làm tổn thương mô lành xung quanh và rút ngắn thời gian.
Trực tiếp theo dõi ca phẫu thuật, BS Trần Minh Thông, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy, liên tục trao đổi qua hệ thống trực tuyến từ phòng mổ. Ông nhận định có một điểm thuận lợi là dự tính ban đầu, ca mổ sẽ mất nhiều máu nên bệnh viện đã chuẩn bị 100 đơn vị máu. Tuy nhiên, đến 16 giờ mới sử dụng 6 đơn vị máu. “Người cho gan không mất máu trong quá trình phẫu thuật nên khả năng phục hồi là rất nhanh, có thể xuất viện trong 1 tuần” - ông Thông hồ hởi. Ông cũng đánh giá tay nghề các đồng nghiệp Hàn Quốc rất cao, chuẩn xác.
BS Trần Minh Trường cho biết chương trình ghép gan người lớn được Bệnh viện Chợ Rẫy thai nghén từ 10 năm trước và được Bộ Y tế cấp kinh phí thực hiện. Trong 2 năm qua, bệnh viện đã đầu tư khá kỹ về nhân vật lực và trang thiết bị. “Việc thành công của ca ghép gan là đỉnh cao, mở ra triển vọng mới cho ngành ghép tạng Việt Nam” - ông Trường nhận định.
Tiếp tục hậu phẫu Đến hơn 21 giờ 30 phút cùng ngày, từ trong phòng mổ, TS-BS Nguyễn Trường Sơn cho biết về mặt phẫu thuật, ca ghép gan đã thành công, các công đoạn cuối cùng đang được hoàn tất, các bác sĩ đã đóng ổ bụng của bệnh nhân. “Sắp tới, bệnh nhân sẽ còn được hậu phẫu, theo dõi điều trị dài, độ ổn định gan mới, thải ghép…” - ông Sơn nói |
Bình luận (0)