Chiều 30-5, Bệnh viện Gia An 115 TP HCM cho hay vừa tiếp nhận trường hợp bị chẩn đoán sai bệnh khiến suốt 10 năm uống thuốc nhưng bệnh tình không giảm.
Bệnh nhân là cụ bà N. T. L (82 tuổi, ngụ Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau thắt ngực. Người nhà cho biết bệnh nhân từng được chẩn đoán suy tim và sử dụng thuốc suốt 10 năm qua.
Kết quả X-quang ngực cho thấy bóng dạ dày nằm trong vị trí của bóng tim (chồng hình). Nhận thấy có điểm bất thường, các bác sĩ chụp CT ngực cản quang, nội soi dạ dày-tá tràng để tìm nguyên nhân và chẩn đoán lại chính xác. Kết quả ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu thoát vị khe hoành, đồng thời bị trào ngược dạ dày thực quản.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân
ThS-BS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115, cho biết thoát vị khe hoành xảy ra khi mô cơ (cột trụ) quanh lỗ khe hoành thực quản suy yếu và một phần của dạ dày bị thoát vị, trượt lên lồng ngực.
Một thoát vị hoành lớn có thể cho phép thức ăn và axit tràn vào thực quản, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng, đặc biệt là cảm giác nặng ngực kéo dài. Những cơn đau nặng ngực này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh về tim mạch.
Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật theo phương pháp Nissen phục hồi khe hoành đưa các tạng trở lại ổ bụng, chống trào ngược dạ dày. Quan sát thấy khe hoành đường kính rộng 4cm đáy vị trượt lên trung thất sau đường kính 8cm và dính với trung thất tạo màng giả, ê-kíp phẫu thuật đã nhanh chóng gỡ dính, bóc tách rõ trụ hoành, đưa tâm vị và toàn bộ dạ dày xuống dưới khe hoành 2cm.
Ca mổ thành công tốt đẹp, bệnh nhân ổn định, không còn đau ngực sau phẫu thuật.
"Thoát vị khe hoành xảy ra hầu hết ở người lớn tuổi, có đến 70% bệnh nhân mắc bệnh này là trên 70 tuổi. Nguyên nhân có thể do thay đổi của cơ hoành theo tuổi tác. Bệnh dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng tại các cơ sở y tế" - BS Toàn khuyến cáo.
Bình luận (0)