Theo Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sáng 28-9, bệnh nhân là anh Trần Tiến Đ. (28 tuổi, ngụ TP HCM), nhập viện cấp cứu trong tình trạng đột ngột đau ngực trái dữ dội, khó thở và vã mồ hôi. Ngay lập tức bác sĩ cho đo điện tim, chụp mạch vành, với kết quả bệnh nhân bị máu tắc hoàn toàn nhánh liên thất trước do huyết khối. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thông tim can thiệp cấp cứu đặt 1 stent phủ thuốc trên đoạn gần nhánh liên thất trước. Sau can thiệp, bệnh nhân đã hết khó thở, đau ngực, hiện sức khỏe phục hồi tốt.
Theo Th.S-BS Trần Nguyễn An Huy, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, hiện nay, can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên của nhồi máu cơ tim được xem là biện pháp hàng đầu để cứu sống và giảm tối đa các biến chứng cho bệnh nhân. Các mạch máu ngoại biên (động mạch chi dưới, động mạch thận, động mạch cảnh…) bị hẹp cũng có thể được nong, đặt stent theo cách tương tự.
Ca bệnh nhồi máu cơ tim khiến các bác sĩ băn khoăn.
Có điều khác thường ở ca bệnh này là tuổi bệnh nhân còn khá trẻ, không có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp hay đái tháo đường; gia đình không có tiền sử bị đột qụy, đột tử nhưng lại bị nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân vẫn đang được các bác sĩ tìm hiểu.
Hiện nay, bệnh nhân tim mạch ngày càng trẻ tuổi. Các bạn trẻ khi gặp những triệu chứng như đau tức ngực trái dữ dội (dấu hiệu của nhồi máu cơ tim) thì không nên chủ quan, cần đến ngay phòng cấp cứu của các bệnh viện. Nếu người bệnh được can thiệp và điều trị kịp thời ngay trong thời gian vàng (6 giờ từ khi đau ngực) thì bệnh nhân sẽ giảm được biến chứng sau nhồi máu cơ tim và giảm nguy cơ đột tử.
Bệnh nhân được đặt stent thông tim và đã qua cơn nguy kịch
"Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh… Đồng thời, việc tích cực tập luyện thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giảm stress… cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm nguy cơ bệnh tim mạch", BS Huy khuyến cáo.
Bình luận (0)