Phải bỏ từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng để có mỹ phẩm được quảng cáo làm từ tế bào gốc nhưng người tiêu dùng lại rất mù mờ về sản phẩm “thời thượng” này.
Rất khó kiểm chứng chất lượng
Theo ThS Phan Kim Ngọc, Trưởng Phòng Thí nghiệm Tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, trên thế giới hiện có 2 dạng mỹ phẩm làm đẹp từ tế bào gốc. Một là từ tách chiết những chất mà tế bào gốc tiết ra trong quá trình nuôi cấy. Những chất này có thể sử dụng làm đẹp da. Tuy nhiên, quan trọng là từ vật liệu ban đầu, bởi có nhiều loại tế bào gốc khác nhau, hàm lượng tỉ lệ của những chất mà tế bào gốc tiết ra là bao nhiêu, độ tinh sạch của nó như thế nào. Nếu không tinh sạch, người sử dụng có thể bị dị ứng, sưng, phù nề…
Dạng sản phẩm thứ hai là các hợp chất được thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau. Sản phẩm dạng này có tác dụng kích thích vào tế bào gốc có sẵn trong da người, khiến những tế bào này hoạt động mạnh hơn, giúp cải thiện trạng thái da. Tuy nhiên, sản phẩm dạng này rất khó kiểm chứng về hiệu quả do sự đa dạng của các hợp chất nói trên. Đó là chưa kể nếu nhà sản xuất không công bố hàm lượng, công thức của các chất được sử dụng mà chỉ nói chung chung thì càng khó kiểm chứng.
Một bác sĩ chuyên khoa da liễu tại TPHCM cho rằng nếu sản phẩm dùng để thoa lên da thì gọi là mỹ phẩm. Còn nếu dùng lăn kim, có gây chảy máu (dù là vi vết thương) thì sản phẩm bôi lên thông thường phải là thuốc. Vì vậy, nếu lăn kim rồi dùng mỹ phẩm không được kiểm chứng, không bảo đảm chất lượng, người sử dụng có thể bị viêm nhiễm, lây truyền các bệnh nguy hiểm như viên gan B, HIV… Vị bác sĩ này cũng cho rằng cơ quan chức năng cần quản lý chặt các hoạt động này để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Không thể có mỹ phẩm tế bào gốc phôi người
Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Trần Thị Hoài Hương, hiện nay trên thị trường có rất nhiều mỹ phẩm được cho là bào chế từ tế bào gốc. Không thể phủ nhận những hiệu quả của ứng dụng tế bào gốc mang lại nhưng không vì thế mà ngộ nhận rằng trong sản phẩm mỹ phẩm có chứa tế bào gốc.
Đơn giản là vì tế bào không thể sống trong môi trường như lọ mỹ phẩm. Dẫu trong sản phẩm có tế bào gốc thì nó cũng không có tác dụng gì cho da vì tế bào gốc của loài nào thì phát triển thành tế bào của loài ấy, của cây thì thành cây, của trái thì thành trái, của bò, cừu… thì phát triển thành loài tương ứng. Do đó, khi có tế bào khác loài “chui” vào da chúng ta mà phát triển thì là thảm họa!
Mỹ phẩm tế bào gốc có tác dụng cải thiện tình trạng da bị lão hóa, tăng tốc độ đổi mới của tế bào da. Để đáp ứng những yêu cầu đó, trong thành phần mỹ phẩm tế bào gốc phải có các chất dinh dưỡng, các loại men, các chất tăng trưởng thu được trong khi nuôi cấy các loại tế bào gốc. Tuy nhiên, cũng như các loại mỹ phẩm khác, độ tinh chất trong mỹ phẩm tế bào gốc là rất quan trọng để khi bôi lên da, sản phẩm có thấm được qua da hay không, có gây dị ứng không.
Hiện nay, ứng dụng tế bào gốc trong chăm sóc da là lĩnh vực mới nên nhiều nước, kể cả các nước tiên tiến, rất dè dặt trong việc cấp phép cho dòng sản phẩm này. Bác sĩ Hương cũng cho biết bà đã từng chữa trị cho một số khách hàng bị dị ứng sau khi làm đẹp bằng phương pháp lăn kim và sử dụng mỹ phẩm được quảng cáo làm từ tế bào gốc. Qua thực tế, bác sĩ Hương khuyên người tiêu dùng nên sử dụng những sản phẩm được Nhà nước cấp phép, đã kiểm tra chất lượng.
Trong khi đó, ThS Phan Kim Ngọc khẳng định không thể có mỹ phẩm tế bào gốc phôi người vì các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hiện không cho phép “đụng” đến phôi người để khai thác tế bào gốc. Ngoài ra, các nước cũng cấm mua bán, xuất nhập khẩu phôi người. Về mặt khoa học, tế bào gốc sống phải có điều kiện bảo quản đặc thù, vì tế bào chỉ sống trong điều kiện bảo quản giống như cơ thể người hoặc nhiệt độ từ - 85°C đến - 196°C.
Bình luận (0)