Tôi năm nay 57 tuổi, có một bên đầu gối phải bị giãn dây chằng, rách sụn chêm cách đây gần 1 năm, đã điều trị bằng cách uống thuốc, mang nẹp. Từ ngày ấy, tôi ít vận động đi.
Bạn bè tôi người nói thế này, người nói thế khác. Người thì bảo ông lớn tuổi rồi, lại bị như vậy thì cho cái chân phải "nghỉ hưu" hẳn đi, đừng bắt nó làm việc nữa. Người khác thì nói ngược lại: ông phải tập luyện chân mới khỏe lại. Vậy thưa bác sĩ, tôi nên làm thế nào mới đúng?
Thực sự là bây giờ tuy đã khỏi nhưng chân tôi còn hơi khó chịu mỗi khi trái gió trở trời, khi công việc buộc phải ngồi nhiều. Lúc có đi lại sơ sơ thì lại dễ chịu, riêng đi cầu thang thì hơi đau. Nói thực không tập thể thao tôi cũng khó chịu lắm. Nếu tập, tôi nên tập những môn gì? Trước khi bị chấn thương, tôi có đạp xe đi làm (cách nhà 3 km) và chơi tennis, hai môn đó tôi chơi tiếp được không? Khi gặp những biểu hiện nào ở bên chân đau tôi nên đi khám bác sĩ?
(Nguyễn Văn Trà, 57 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất:
Chào anh!
Như trong thư, anh đã từng được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh của mình (giãn dây chằng, rách sụn chêm khớp gối) và đã được điều trị bảo tồn (nẹp cố định, thuốc uống).
Sụn chêm có vai trò phân phối lực đều lên khớp gối, tạo sự vững chắc cho khớp gối, phân bố đều hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp, tránh cho bao khớp và màng hoạt dịch không bị kẹt vào khe khớp.
Ở người trẻ tuổi, rách sụn chêm thường do chấn thương thể thao, tai nạn lao động hoặc tai nạn sinh hoạt. Ở người cao tuổi, rách sụn chêm thường do thoái hóa khớp.Tùy thuộc vào vị trí, kích thước và hình thái của tổn thương sụn chêm, có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật khâu, cắt sụn chêm.
Trường hợp của anh có thể tổn thương giãn dây chằng, rách sụn chêm khớp gối do thoái hóa khớp. Vì điều trị bảo tồn, anh cần hạn chế vận động nặng, mạnh, hạn chế lên xuống cầu thang nhiều. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa anh nên bỏ hẳn thói quen tập luyện thể thao như bạn anh đã khuyên. Tập luyện đúng cách không những giúp chấn thương cũ được ổn định hơn mà còn rất cần thiết cho sức khỏe và tuổi tác của anh.
Ở trường hợp của anh, tôi có lời khuyên anh nên chọn bơi lội hoặc đạp xe tại chỗ. Các môn anh nên tránh là bóng bàn, tennis, cầu lông…vì có thể khiến đầu gối của anh đau trở lại.
Khi bị đau khớp gối nhiều hơn, anh nên đi gặp bác sĩ để được đánh giá lại tổn thương và có phương án điều trị phù hợp.
Bình luận (0)