Theo ThS. BS Nguyễn Đức Thành-Trưởng Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trong chúng ta, ai cũng biết được các lợi ích của việc tập luyện thể dục đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trong những kỳ nghỉ lễ, Tết mọi người có xu hướng tạm dừng tất cả các việc tập luyện với lý do "không có thời gian" và "sau lễ sẽ bắt đầu lại". Các nghiên cứu cho thấy nếu ngưng tập luyện trong thời gian ngắn thì cơ thể sẽ trở nên suy yếu ngay chỉ sau một vài tuần. Do đó, cách làm đúng là nên duy trì việc tập luyện ở mức độ vừa phải trong những ngày nghỉ lễ thay vì ngưng lại hoàn toàn. Ngay cả khi bạn phải giảm thời gian mỗi buổi tập và giảm số lần tập trong 1 tuần, việc duy trì tập luyện vẫn mang lại rất nhiều ích lợi và giúp cơ thể trở lại với lịch tập luyện thường ngày dễ dàng hơn.
Nếu ngưng tập luyện cơ thể sẽ suy yếu
Theo các nhà khoa học, các kỳ nghỉ lễ tưởng chừng sẽ giúp ta được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái để tái tạo năng lượng sau một thời gian dài làm việc vất vả, mệt nhọc. Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản như vậy. Các kỳ nghỉ kéo dài có nguy cơ làm cho chúng ta bị tăng cân không kiểm soát được do ăn uống vô độ và không tập thể dục. Các công việc phát sinh trong kỳ nghỉ, việc di chuyển nhiều, mua sắm, tiếp khách liên tục, thức khuya, uống rượu bia nhiều,… sẽ làm cho chúng ta bị stress, căng thẳng, thậm chí dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm. Các nghiên cứu ở Mỹ nêu số người bị nhồi máu cơ tim tăng lên đáng kể trong các kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Lúc này việc tập thể dục thể thao sẽ bị bỏ bê để nhường chỗ cho danh sách "những việc phải làm" ngày càng dài hơn. Hậu quả là sau kỳ nghỉ, không ít người cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mất hết năng lượng và không muốn quay trở lại với công việc hàng ngày.
Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng mất thăng bằng này, giúp ta có được những kỳ nghỉ vui tươi, thoải mái, khỏe mạnh và khoa học? Trước hết, bạn cần lập kế hoạch trước kỳ nghỉ về việc duy trì tập luyện trong những ngày lễ như thế nào. Đơn giản và khả thi nhất là thực hiện các bài tập tại nhà và không cần nhiều thiết bị như chạy tại chỗ, đạp xe tại chỗ, nhảy dây, tập thể dục,… Mỗi ngày chỉ cần tập luyện 15-30 phút cũng đủ để giúp ích rất nhiều so với việc không tập luyện gì. Thậm chí các hình thức đơn giản nhất như đi bộ bất cứ khi nào có thể cũng mang lại nhiều ích lợi. Để thực hiện được kế hoạch đã đề ra, bạn cần phân bổ thời gian hợp lý để có thể thực hiện được tất cả các công việc dự kiến, trong đó không thể thiếu việc tập thể dục.
Sau đây là những gợi ý về một số bài tập tuy đơn giản nhưng đã được chứng minh rất hiệu quả vì huy động được sự tham gia của hầu hết các cơ bắp và đặc biệt là có thể thực hiện các bài tập này ở bất kỳ đâu mà không cần sử dụng thiết bị gì.
Bài tập số 1: Chống đẩy
Công dụng: Làm mạnh cơ 2 tay và thân trên.
Cách thực hiện: Bạn nằm sấp, 2 lòng bàn tay đặt trên sàn nhà, khớp khuỷu duỗi thẳng, 2 chân duỗi thẳng, các ngón chân tựa trên sàn, khoảng cách giữa 2 tay rộng bằng vai, cố gắng giữ cho cổ và thân mình luôn thẳng. Từ từ gập khuỷu hạ thấp thân mình xuống sàn cho đến khi ngực gần chạm sàn và hít vào. Chú ý phải gồng cơ để chống lại trọng lực sao cho thân mình hạ xuống từ từ. Duỗi thẳng 2 khuỷu đẩy thân mình lên trở về tư thế ban đầu và thở ra.
Thực hiện khoảng 2-4 hiệp, mỗi hiệp khoảng 10-15 lần hoặc cho đến khi mỏi tối đa. Nghỉ 1-2 phút giữa các hiệp.
Bài tập số 2: Đứng lên ngồi xuống
Công dụng: Làm mạnh cơ 2 chân và cơ mông.
Cách thực hiện: Bạn đứng thẳng với 2 chân rộng bằng vai, 2 bàn chân đặt song song trên mặt sàn, từ từ ngồi xuống cho đến khi 2 đùi song song với mặt sàn và hít vào. Chú ý phải luôn giữ cho lưng thẳng, thân mình không ngã về phía trước quá mức, phải gồng cơ để chống lại trọng lực sao cho thân mình hạ xuống từ từ. Duỗi thẳng 2 gối, trở về tư thế ban đầu và thở ra. Để giữ được thăng bằng thì mắt nên nhìn thẳng vào 1 điểm cố định ở phía trước trong suốt quá trình thân mình di chuyển, có thể giơ thẳng 2 tay ra trước hoặc đan chéo 2 tay đặt sau gáy.
Bài tập số 3: Nằm gập bụng
Công dụng: Làm mạnh cơ bụng.
Cách thực hiện: Bạn nằm ngửa, 2 gối gập, 2 bàn chân đặt song song trên mặt sàn. Hai bàn tay đan chéo vào nhau đặt sau đầu. Hít vào, cúi cổ và nâng thân mình khỏi mặt sàn, giữ vài giây sau đó từ từ hạ thân mình xuống trở về tư thế ban đầu và thở ra.
Thực hiện khoảng 2-4 hiệp, mỗi hiệp khoảng 10-15 lần hoặc cho đến khi mỏi tối đa. Nghỉ 1-2 phút giữa các hiệp.
Bài tập số 4: Tư thế rắn hổ mang
Công dụng: Kéo giãn và làm mạnh cơ cổ và cơ lưng.
Cách thực hiện: Bạn nằm sấp trên sàn, 2 lòng bàn tay đặt song song trên mặt sàn, khoảng cách 2 tay rộng bằng vai, 2 chân duỗi thẳng. Từ từ duỗi thẳng 2 khuỷu nâng thân mình lên, ưỡn cổ và lưng ra sau tối đa (nếu bạn thấy khó thở thì bớt lại một chút). Giữ yên tư thế trong khoảng 1 phút hoặc lâu nhất có thể. Từ từ hạ thân mình xuống trở lại tư thế ban đầu.
Thực hiện 1-2 lần trong 1 buổi tập.
Bình luận (0)