Dù phụ nữ mang thai tự nhiên ở tuổi ngoài 50 rất hiếm nhưng gần đây các cơ sở y tế đã tiếp nhận, theo dõi thai kỳ và mổ đẻ thành công cho nhiều thai phụ tuổi trung niên.
Bất ngờ mang thai khi tưởng đã mãn kinh
Các bác sĩ Khoa Sản bệnh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây đã mổ lấy thai, đón bé trai 3,6 kg là con của cặp vợ chồng 50 tuổi, quê Sơn La. Đây là lần mang thai thứ 3 tự nhiên của sản phụ này.
Vợ chồng sản phụ cho biết họ có 2 con gái và cũng đã lên chức ông bà ngoại được gần 2 năm nay. Nhiều tháng trước đó, khi đi khám sức khỏe định kỳ, bà bất ngờ khi được bác sĩ kết luận đã mang thai 18 tuần. Trước đó, bà bị mất kinh nhiều tháng liền nhưng chỉ nghĩ mình đến tuổi mãn kinh. Quyết định giữ thai, người phụ nữ lớn tuổi này phải trải qua nhiều khó khăn về sức khỏe, tinh thần, đặc biệt những tuần cuối thai kỳ. May mắn sau mổ đẻ, sức khỏe của hai mẹ con ổn định.
Một ca đỡ đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Hồi tháng 4-2023, Bệnh viện 354 (Hà Nội) cũng đỡ đẻ thành công cho một phụ nữ 51 tuổi, quê Bắc Kạn. Thai phụ này cảm thấy bất thường trong bụng, cảm giác có "động đậy" sau nhiều tháng mất kinh, đi khám thì phát hiện "dính bầu", thai đã 22 tuần.
Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Khoa Sản bệnh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết ông từng khám, đỡ đẻ thành công cho các sản phụ 47-48 tuổi, mang thai tự nhiên nhưng trên 50 tuổi thì rất hiếm.
Tại Việt Nam, hầu hết trường hợp mang thai ngoài 50 tuổi đều nhờ các biện pháp can thiệp hỗ trợ sinh sản. Trong đó, thai phụ lớn tuổi nhất Việt Nam sinh con thành công là người phụ nữ 63 tuổi ở Thanh Hóa. Bà mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng của chồng, bé trai chào đời năm 2022, nặng 3 kg. Một sản phụ khác 61 tuổi ở Hà Nội cũng mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm. Bé gái chào đời năm 2018 nặng 2,6 kg. Ngoài ra, một sản phụ 60 tuổi ở Bắc Giang, sinh con lần ba, cũng nhờ thụ tinh ống nghiệm.
Đừng chủ quan với giai đoạn tiền mãn kinh
Các bác sĩ cho biết phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi tuổi cao khó có một thai kỳ an toàn, suôn sẻ. Ngoài những vấn đề với thai nhi, một số trường hợp có nguy cơ cao là thai bất thường, hay gặp là chửa trứng. Nếu không theo dõi và can thiệp phù hợp, tình trạng vốn lành tính này dễ gây biến chứng như sẩy thai, nhiễm trùng, băng huyết, đặc biệt là nguy cơ ung thư tế bào nuôi. Nguy cơ ung thư càng tăng lên đối với người bệnh lớn tuổi.
Mang thai khi lớn tuổi, người mẹ phải xác định nguy cơ bệnh lý nguy hiểm như: tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường... Trong quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng. Sau khi sinh, sức khỏe cũng chậm phục hồi hơn. "Thực tế tại Khoa Sản bệnh, nhiều trường hợp "dính bầu" ngoài ý muốn khi mẹ đã 50 tuổi buộc phải quyết định đình chỉ thai nghén vì thai dị tật, đe dọa sức khỏe, tính mạng của mẹ. Ngoài ra, có nhiều người không vượt qua được tâm lý e ngại vì mang thai khi đã lên chức bà nội, bà ngoại" - bác sĩ Đạo nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ nhiệm Khoa Phụ sản Bệnh viện 354, cho biết khi bước sang giai đoạn mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ trải qua một thời kỳ tiền mãn kinh có thể kéo dài 3-5 năm hoặc dài hơn. Giai đoạn này được đánh dấu bằng hàng loạt thay đổi về thể chất và tinh thần ở người phụ nữ. Ngoài các dấu hiệu bốc hỏa, đổ mồ hôi…, phụ nữ ở giai đoạn này có sự thay đổi về chu kỳ "đèn đỏ" và tính chất của kinh nguyệt như: vòng kinh thay đổi, ít dần, kéo dài, thưa dần và các rối loạn về kinh nguyệt…
"Tuy vậy, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh vẫn có khả năng mang thai, vì lúc này vẫn có kinh nguyệt, buồng trứng vẫn hoạt động, lúc này chị em thấy kinh nguyệt chưa hết hẳn, tháng có tháng không. Thậm chí, trước khi ngừng hẳn, buồng trứng có thể sẽ hoạt động hết công suất, một vài nang trứng sẽ chín và rụng bất chợt. Vì vậy, chị em tuyệt đối không chủ quan với thời kỳ tiền mãn kinh và vẫn cần thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp" - bác sĩ Phương lưu ý.
Các bác sĩ sản khoa cho biết có 2 thời kỳ phụ nữ thường chủ quan "rất khó mang thai", đó là giai đoạn sau sinh, đang cho con bú và tiền mãn kinh. Ngay cả khi mất kinh vài tháng ở giai đoạn này thì chưa chắc đã mãn kinh thật sự nên cần tiếp tục ngừa thai tiếp 12 tháng sau đó để không mang thai ngoài ý muốn. Trường hợp nếu có quan hệ tình dục, gặp tình trạng trễ kinh khoảng 1-2 tháng thì nên thử thai ngay, tránh các tình huống nguy hiểm khi mang thai ngoài tử cung.
"Với những đặc trưng của tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ trung niên nên tuân thủ các biện pháp tránh thai an toàn bởi phụ nữ lớn tuổi có nhiều nguy cơ khi mang thai và sinh con. Trường hợp phụ nữ lớn tuổi muốn có thai cần phải được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, giám sát chặt chẽ" - bác sĩ Đạo nhấn mạnh.
Mang thai ở tuổi cao, thai nhi dễ bị dị tật
Theo các nghiên cứu, độ tuổi sinh con tốt nhất ở phụ nữ là từ 20- 29. Đây cũng là độ tuổi dễ thụ thai. Đến tuổi 30, chỉ có 20% cơ hội thụ thai mỗi tháng và 40 tuổi chỉ còn 5%. Bước sang tuổi 45, đa số phụ nữ muốn có con phải cần đến ít nhất một phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Khi lớn tuổi, chức năng buồng trứng suy giảm, số lượng trứng có khả năng thụ thai rất thấp. Tỉ lệ rối loạn nhiễm sắc thể cao dẫn đến nguy cơ bất thường di truyền cao cho thai nhi.
Bình luận (0)