Cơn hen suyễn cấp là những đợt ho, khò khè, nặng ngực, khó thở xảy ra do tình trạng tắc nghẽn luồng khí thở do các phế quản bị co thắt, sưng phù làm hẹp lòng phế quản và do đàm nhớt làm bít tắc phế quản. Việc xử trí cấp cứu cơn hen suyễn nhằm mục đích chặn đứng cơn suyễn ngay tức thời giúp người bệnh giảm khó thở, tránh những biến chứng nặng của bệnh và tránh những diễn biến xấu về sau.
Biểu hiện
Cơn suyễn có thể khởi phát một cách rầm rộ, đột ngột, cũng có thể diễn tiến từ từ, nặng dần lên. Cũng có trường hợp cơn suyễn như “hung thần bóng đêm”, đêm nào cũng xuất hiện phá vỡ giấc ngủ, “tác oai tác quái” vài giờ rồi đến khi mặt trời ló dạng thì dịu dần, người bệnh có thể đi học, đi làm bình thường rồi khi đêm đến, “hung thần” lại tái xuất hiện. Có 4 triệu chứng chính thường gặp trong bệnh hen suyễn:
Khó thở: Cảm giác ngộp, không thở được, “thiếu hơi”, không đủ hơi để thở. Khi cơn suyễn diễn ra rầm rộ, dữ dội, người bệnh có cảm giác bị bóp nghẹt như ai siết cổ không thở được.
Khò khè: Là tiếng rít đi kèm với nhịp thở, thường nghe thấy khi thở ra. Thở khò khè là triệu chứng thường gặp nhất của cơn hen.
Ho: Thường đi kèm với khó thở, xảy ra nhiều vào lúc nửa đêm về sáng hay khi gắng sức. Cũng có trường hợp người bệnh hen suyễn chỉ có mỗi triệu chứng ho khiến cho việc chẩn đoán bệnh khó khăn.
Nặng ngực: Cảm giác như có vật gì nặng đè lên ngực, đây cũng là một biểu hiện của khó thở.
Những việc cần làm
Để chặn đứng cơn khó thở cấp tính, bạn cần phải:
- Tránh xa ngay tác nhân gây khởi phát cơn hen cấp nếu nhận diện được chúng (tránh khói hoặc các loại hóa chất có mùi nồng gắt nếu lên cơn hen suyễn ngay khi ngửi chúng, ngưng gắng sức nếu hen do gắng sức, giữ ấm nếu hen do luồng khí lạnh…).
- Sử dụng thuốc đường hít sớm và đúng cách: Sử dụng thuốc đường hít tức là đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp bằng các dụng cụ bơm xịt, bình hít bột khô hay máy phun khí dung. Các phương pháp đều có ưu điểm là giảm bớt khó thở nhanh chỉ sau 2-5 phút. Thuốc cần sử dụng trong trường hợp này là các loại thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn như Ventolin hoặc Berodual…Dùng thuốc đường hít nên được thực hiện sớm ngay khi có những triệu chứng đầu tiên. Không nên để quá trễ khi cơn suyễn đã diễn tiến khá lâu hoặc khi người bệnh không còn chịu đựng được nữa mới dùng thuốc. Để càng muộn thì khả năng cắt cơn suyễn thành công càng thấp. Khi đó lượng thuốc đi vào phổi đã giảm nhiều do các phế quản đã bị co hẹp một phần, đàm tiết ra nhiều gây bít tắc và người bệnh đã quá mệt không còn đủ sức để hít thuốc nữa.
Cũng cần lưu ý về kỹ thuật dùng thuốc đường hít sao cho thao tác nhuần nhuyễn để đạt được hiệu quả. Nếu thao tác sai thì lượng thuốc hít vào quá ít không đủ làm giãn phế quản và cơn khó thở sẽ không được giải quyết.
Liều thường dùng là 2 nhát hít thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn. Nếu chưa bớt khó thở, xịt lặp lại mỗi lần 2 nhát cách nhau khoảng 5-10 phút.
- Các biện pháp hỗ trợ khác: Nghỉ ngơi, nhấp nước hoặc chất lỏng ấm, ngâm chân nước nóng, ngồi khom người ra phía trước khuỷu tay chống gối hoặc tựa lên mặt phẳng…
- Nếu cơn khó thở chưa cải thiện: Nếu không có đáp ứng sau 8 lần xịt hoặc cơn suyễn chỉ lui tạm thời trong vài giờ rồi trở lại thì nên đi khám bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức để được điều trị triệt để hơn.
Có thể hình dung việc chặn đứng cơn suyễn cũng như dập tắt một ngọn lửa. Nếu ngọn lửa chỉ mới bén, ta có thể dập tắt dễ dàng nhưng nếu ta chần chừ để cho ngọn lửa cháy bùng lên và bắt đầu lan ra xung quanh thì việc dập tắt lửa trở nên khó khăn hơn và để lại hậu quả ít nhiều.
Bình luận (0)